Thị trường bán lẻ thực phẩm trực tuyến Trung Quốc đang bùng nổ cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu. Các công ty như COFCO và Shunfeng Express tin tưởng với dân số 1,3 tỷ, người Trung Quốc sẽ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua lại sự yên tâm khi tiêu dùng thực phẩm.
"Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ cao cấp với giá cao hơn so với phương Tây. Tại các thị trường khác, như Anh thì thực phẩm trực tuyến phát triển chủ yếu vì sự tiện ích. Nhưng ở Trung Quốc, điều mà mọi người quan tâm chính là chất lượng và sự an toàn thực phẩm", ông Chen Yougang - đối tác tại tổ chức cố vấn McKinsey, khẳng định.
Việc thuyết phục khách hàng bảo thủ Trung Quốc về chất lượng thực phẩm sẽ vẫn còn là một thử thách lớn. Cô Zhang Lei người Thượng Hải thể hiện sự hoài nghi trước những sản phẩm được quảng cáo là thực phẩm hữu cơ. "Mọi người đều biết rằng, tại Trung Quốc thực phẩm hữu cơ là một thứ không tưởng".
Một trang web bán thực phẩm trực tuyến ở Trung Quốc
Tuy nhiên, thực tế tổng doanh thu bán hàng trực tuyến các thực phẩm tươi sạch tại Trung Quốc có thể đạt mức 40 tỷ nhân dân tệ (6,5 tỷ USD) trong 5 năm tới từ mức 11,5 tỷ tệ vào năm nay - Zhou Wen Quan, chuyên gia phân tích cấp cao tại tổ chức cố vấn Beijing Orient Agribusiness Consulting cho hay. Còn tổ chức nghiên cứu Euromonitor thì nhìn nhận rằng tăng trưởng tại Trung Quốc có thể dễ dàng áp đảo các thị trường nước ngoài. Họ nghiên cứu về khối lượng nhiều hơn là giá trị giao dịch trực tuyến các thực phẩm sạch. Theo đó, thị trường Trung Quốc được dự đoán tăng khoảng 8% đến năm 2017 từ 664 triệu tấn trong năm nay, so với mức 5% tại Mỹ từ 77 triệu tấn. Tính đến nay, số lượng thực phẩm được bán nhiều nhất tại các trang mua bán trực tuyến hàng đầu Trung Quốc như Yihaodian (chủ yếu thuốc sở hữu của Wal-Mart) và Jingdong Mall là sản phẩm đóng gói có hạn sử dụng tương đối dài. Thế nhưng làn sóng kinh doanh mới lại đang tập trung vào những sản phẩm sạch cao cấp, sử dụng Internet để hưởng tới những khách hàng thu nhập cao. "Rau quả ở đây thực sự tươi sạch. Thực phẩm siêu thị nhìn không được như vậy, đặc biệt là vào buổi tối", cô Lei Na, dân Bắc Kinh - người mua hàng qua mạng tại các trang như Womai.com cho hay. Shunfeng Express, công ty cung cấp thực phẩm lớn nhất của Trung Quốc hồi năm ngoái đã ra mắt chương trình Shunfeng First Choice, phục vụ một loạt sản phẩm tới khoảng 500.000 khách hàng. Khoảng 70% là các sản phẩm nhập khẩu như rượu và sữa nhưng họ cũng bán hải sản, thịt và rau quả địa phương. "Chúng tôi trực tiếp tới các nông trại để thu lượm sản phẩm và sử dụng đội ngũ hậu cần để chuyển thẳng đến người tiêu dùng. Chúng tôi loại bỏ mọi công đoạn khác", Yang Jun - giám đốc kinh doanh và marketing của công ty cho hay. Các nhà kinh doanh khẳng định, việc cắt giảm những khâu trung gian sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm tươi sạch hơn. Với 10 triệu người truy cập mỗi phút, Taobao - trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tại quốc gia này. Doanh số bán thịt, hải sản, hoa quả và rau tăng 42% vào năm ngoái lên 1,3 tỷ tệ. Khi mà những vụ lùm xùm về an toàn thực phẩm đã làm chấn động giới tiêu dùng Trung Quốc, khi các sản phẩm từ nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới Fonterra bị thu hồi khỏi các cửa hàng Trung Quốc thì các công ty kinh doanh thực phẩm trực tuyến uy tín lại tỏ ra hết sức tự tin rằng có thể vượt qua những rào cản trên thị trường. Theo Hung Ninh (VEF/Reuters)