Trung Quốc lên tiếng vụ WHO vào điều tra nguồn gốc COVID-19

Theo báo South China Morning Post (SCMP), sau nhiều tuần im lặng, ngày 13-7 Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng xác nhận rằng hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang ở Bắc Kinh và cùng hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc để điều tra, xác định nguồn gốc COVID-19.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng xác nhận việc đội chuyên gia của WHO đến nước mình để điều tra nguồn gốc COVID-19.

WHO tiền trạm cho một chiến dịch lớn hơn

Hai chuyên gia của WHO – một chuyên gia về sức khỏe động vật và một nhà nghiên cứu dịch bệnh – đã đến Bắc Kinh vào ngày 10-7 để tìm hiểu và mở đường cho một chiến dịch khoa học quốc tế do WHO dẫn đầu để xác định xem virus lây từ động vật qua người thế nào.

Theo WHO thông báo tuần trước thì hai chuyên gia WHO  sẽ làm việc với các quan chức trong Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như trong Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhằm đánh giá quy mô cũng như chuẩn bị hậu cần cho một đoàn chuyên gia quốc tế lớn hơn sau đó. Tuy nhiên tên tuổi và lịch trình của các chuyên gia cũng như ngày thực hiện chiến dịch lớn hơn này chưa được công bố.

Tiến sĩ Kong Yuefeng cho kháng thể tại một trung tâm y tế ở Vũ Hán (Trung Quốc) sau khi được điều trị khỏi COVID-19. Ảnh: Yuan Zheng/EPA

Ngày 13-7 Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa cho rằng việc điều tra nguồn gốc COVID-19 nên được thực hiện ở cả bên ngoài nước mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hoa Xuân Doanh nói Bắc Kinh và WHO đã có sự “đồng lòng cơ bản” bằng “việc tìm hiểu nguồn gốc (COVID-19) là một vấn đề khoa học phải được các chuyên gia tìm hiểu thông qua nghiên cứu và hợp tác quốc tế, với quy mô toàn cầu”.

“Đây cũng là quan điểm của WHO, rằng việc tìm hiểu nguồn gốc (COVID-19) là một tiến trình có thể liên quan đến nhiều nước và nhiều địa phương, và WHO sẽ có các chuyến đi tương tự đến các nước và các khu vực khác nếu thật sự cần thiết” – bà Hoa nói.

Trung Quốc đòi điều tra cả ở Mỹ và các nước khác

Trước đó, ngày 10-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Triệu Lập Kiên nói Mỹ nên mời WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 bên trong Mỹ. Phát ngôn của ông Triệu nhằm đáp lại các phát ngôn trước đó của ông Pompeo rằng Trung Quốc cần trong sạch với thế giới về virus và cho phép WHO điều tra một cách tự do.

Thực ra ngay từ khi các chuyên gia WHO chưa đến Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra quan điểm là quá trình điều tra nguồn gốc COVID-19 phải bao gồm cả các chuyến đi của chuyên gia WHO đến các nước khác. Nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (New York) cho rằng Trung Quốc đưa ra quan điểm này là nhằm tranh thủ lòng dân trong nước.

Bản thân WHO chưa từng nói sẽ thực hiện điều tra tương tự ở các nước khác. Tuần trước Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO – Tiến sĩ Mike Ryan nói Trung Quốc sẽ là “điểm bắt đầu tốt nhất” cho chiến dịch điều tra của các chuyên gia WHO.

Virus được cho xuất phát từ một loài động vật hoang dã, khả năng là từ loài dơi, trước khi lan sang con người thông qua một loài động vật trung gian khác, theo SCMP. Các nhà khoa học cho rằng hiểu được cơ chế lây truyền của mầm bệnh rất quan trọng với việc chặn đứng đường lây và ngăn chặn rủi ro xảy ra các đại dịch nữa trong tương lai.

Vấn đề nguồn gốc COVID-19 là một nguồn cơn căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ thời gian qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gọi virus gây dịch COVID-19 là “virus Trung Quốc”. Nhiều nghị sĩ Mỹ và cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đưa ra nhiều giả thuyết là virus lan truyền từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán – nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19.

Phía Trung Quốc luôn bác bỏ đồng thời cho rằng virus có thể xuất phát từ một nơi khác và chỉ đơn giản là nó bị phát hiện ở Trung Quốc đầu tiên mà thôi. Trung Quốc nhắc tới một số nghiên cứu ở châu Âu cho thấy virus hiện diện ở châu lục này từ cuối năm ngoái, sớm hơn suy nghĩ ban đầu.

Các động thái này đến trong bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Hiện thế giới đã có tới 3.250.000 ca nhiễm trong đó gần 576.000 người đã chết. Số ca nhiễm mới mỗi ngày không ngừng tăng, kỷ lục tới hơn 230.000 ca nhiễm mới trên toàn cầu chỉ trong một ngày, phần lớn ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, theo WHO ngày 12-7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới