Trong khi đó, Trung Quốc (TQ) là đối thủ kinh tế và đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á; sớm muộn gì TQ sẽ vượt Mỹ về kinh tế. Nhiều học giả lo ngại xung đột lợi ích sẽ đẩy hai nước đến chiến tranh nhưng hai nước đều không muốn chiến tranh và sẽ tìm cách tránh xung đột.
TQ sẽ tìm cách định hình lại các quy tắc và chuẩn mực hiện nay do phương Tây tạo ra. TQ sẽ tìm cách thúc đẩy các lợi ích bên ngoài và không chủ động gây phiền toái với Mỹ. TQ đã tuyên bố châu Á-Thái Bình Dương đủ rộng cho TQ lẫn Mỹ và Mỹ tán thành điều này. Dù vậy, căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông cho thấy mặt xung khắc trong quan hệ Trung-Mỹ.
Ngoại trưởng K. Shanmugam ghi nhận các vận động nội tại ở TQ sẽ tác động đến cách mà TQ quan hệ với phần còn lại của thế giới và Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của TQ từ thời Đặng Tiểu Bình. Ông Tập đã kiểm soát kinh tế, quân sự, đảng Cộng sản và đang muốn tạo cách mạng trong cải cách kinh tế. Tuy nhiên, TQ khó lặp lại kỳ tích tăng trưởng năm 1980-2010 bởi lúc đó quyền lực được tập trung kiểm soát tuyệt đối.
Ông cho rằng trong bối cảnh hơn 500 triệu dân TQ đã tiếp cận Internet và hàng chục ngàn sinh viên du học mỗi năm, chính phủ không thể áp đặt quyền lực tuyệt đối được nữa. TQ cũng đang đối diện thách thức nghiêm trọng khác. Đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, chia rẽ nông thôn-thành thị, nội địa và duyên hải.
Ông nhận định quan hệ Nhật-Trung cũng rất quan trọng đối với Đông Á. Nhật cần thị trường TQ và TQ cần đầu tư Nhật nhưng vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vấn đề lịch sử khác đã làm quan hệ song phương rạn nứt nghiêm trọng. Hai nước đều không nhượng bộ vì cần dư luận trong nước ủng hộ để cải cách kinh tế.
Về quan hệ ASEAN-TQ, Ngoại trưởng K. Shanmugam cho rằng các hành động gây căng thẳng gần đây của TQ đối với Việt Nam ở biển Đông không có lợi cho TQ...
LÊ LINH