Trung Quốc ngừng tàu chở hàng đến Lithuania do liên quan vấn đề Đài Loan?

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã ngừng các chuyến tàu chở hàng trực tiếp đến Lithuania, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia đang có chiều hướng gia tăng do các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Trung Quốc ngừng tàu chở hàng trực tiếp đến Lithuania?

Các phương tiện truyền thông Lithuania đưa tin rằng Công ty Vận tải Đường sắt Trung Quốc (CRCT) - một công ty trực thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - đã tạm dừng vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến Lithuania “cho đến khi có thông báo mới”, mặc dù vẫn chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào về thông tin trên.

“Các chuyến tàu hoạt động giữa Trung Quốc và Lithuania đã dừng lại. Quyết định được đưa ra bởi công ty nhà nước (Trung Quốc) phụ trách vận hành các chuyến tàu đó. Chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ công văn hoặc lệnh chính thức nào về việc ngừng các chuyến tàu” - một nguồn tin cho biết.

Trung Quốc đã ngừng các chuyến tàu chở hàng trực tiếp đến Litva. Ảnh minh họa: TÂN HOA XÃ

Theo nguồn tin, tuyến vận tải trên giữa hai nước "không có vấn đề gì” và nghi ngờ rằng việc ngừng các chuyến tạo mang động cơ chính trị.

Phát ngôn viên của công ty đường sắt Lithuania (Lithuania Railways) Gintanas Liubanas cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc tạm ngừng tuyến vận tải.

"Chúng tôi hiện đã nhận được thông tin từ các khách hàng rằng một số chuyến tàu chở hàng trực tiếp sẽ không tới Lithuania vào cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9. Trong khi đó, các chuyến tàu quá cảnh đi qua Lithuania vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi hy vọng các thỏa thuận đã được thông qua trước đó sẽ được tôn trọng" - ông Liubanas cho biết.

Theo tờ Baltic News Service, CRCT nói với các khách hàng ở Lithuania rằng họ sẽ tạm dừng các hoạt động vận chuyển hàng hóa trực tiếp.

Mặc dù vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã phủ nhận ban hành lệnh dừng tuyến vận tải trên. Điều này đã gây ra một số mơ hồ về việc liệu việc đình chỉ có chính thức hay không.

Căng thẳng ngoại giao Lithuania - Trung Quốc

Tuần trước, căng thẳng giữa Trung Quốc và Lithuania gia tăng sau khi Bắc Kinh triệu hồi đại sứ của họ tại Lithuania. Đồng thời, Bắc Kinh cũng yêu cầu Vilnius triệu hồi đại sứ của họ tại Trung Quốc, nhằm phản đối việc Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này. 

Việc Lithuania cho phép Đài Loan mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” đã khiến Bắc Kinh cho rằng Lithuania vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”. Trên thực tế, các văn phòng đại diện của Đài Loan ở các nước châu Âu đều có tên là “Văn phòng đại diện Đài Bắc”.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10-8, Bắc Kinh “kêu gọi Lithuania ngay lập tức sửa chữa quyết định sai lầm cũng như tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tổn hại và không tiến sâu hơn vào con đường sai lầm". 

Thông cáo còn đề cập việc Lithuania có thể đối mặt với "hậu quả tiềm tàng" nếu cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này, song không nêu chi tiết.

Cũng trong ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Lithuania bày tỏ “lấy làm tiếc” về hành động của Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng Lithuania “sẵn sàng phát triển các mối quan hệ cùng có lợi với Đài Loan, giống như nhiều nước khác trên thế giới, trên cơ sở nguyên tắc ‘một Trung Quốc’”, hãng tin AP đưa tin

Theo SCMP, Vilnius xác nhận rằng họ sẽ triệu hồi Đại sứ Lithuania tại Trung Quốc Diana Mickeviciene về nước sau khi cô ấy hoàn thành ba tuần cách ly ở Bắc Kinh.

Các nguồn tin chính phủ ở Lithuania cho rằng việc đình chỉ tuyến vận tải trên là một sự leo thang trong căng thẳng giữa hai nước và cho rằng Bắc Kinh rất có thể sẽ có thêm nhiều động thái khác, ngoài việc ngừng các chuyến tàu trực tiếp sang Lithuania.

Theo SCMP, quy mô của các giao dịch thương mại giữa Lithuania và Trung Quốc tương đối thấp. Lithuania cũng được xem là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có quan điểm chỉ trích Trung Quốc khá gay gắt. 

Vào tháng 5, Lithuania là quốc gia đầu tiên rút khỏi cơ chế hợp tác 17+1 giữa Trung Quốc và 17 nước Trung và Đông Âu, vì cho rằng cơ chế này không mang lại lợi ích kinh tế cho họ như kỳ vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới