Trung Quốc phản bác bình luận của các chính khách Hungary về quan hệ song phương

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hungary ngày 6-6 đã lên tiếng phản đối và lên án nghiêm khắc sau khi một số chính trị gia ở Budapest – thủ đô Hungary – “đưa ra những nhận xét cực kỳ sai lầm liên quan đến Trung Quốc và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Hungary”.

Trung Quốc coi phát biểu là "sự can thiệp thô bạo" vào nội tình

Theo đài CGTN, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết các bình luận công kích hệ thống chính trị và con đường phát triển của Trung Quốc, vốn do người dân Trung Quốc độc lập lựa chọn, là “đầy thành kiến về ý thức hệ và kích động đối kháng và thù địch”.

Người phát ngôn cho biết đây là một “sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và một “nỗ lực có chủ ý nhằm phá hoại mối quan hệ hợp tác hữu nghị và cùng có lợi giữa nhân dân hai nước”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Hungary. Ảnh: Trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc

Phản ứng của Đại sứ quán Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi hàng nghìn người dân Hungary xuống đường biểu tình để phản đối kế hoạch xây dựng cơ sở của trường đại học Phúc Đán của Trung Quốc ở Budapest. Khảo sát của Viện Republikon cho thấy khoảng 2/3 người Hungary không ủng hộ việc xây trường Trung Quốc, đài CNN đưa tin.

Những người phản đối cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, cho rằng dự án sẽ làm giảm chất lượng giáo dục đại học vốn có của đất nước và giúp Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại Hungary và Liên minh châu Âu (EU). Phe đối lập cho rằng việc dùng tiền thuế xây cơ sở này là bằng chứng nữa cho thấy Thủ tướng Orban đã rời xa các giá trị phương Tây.

Thị trưởng Budapest - ông Gergely Karacsony cũng đã công khai phản đối kế hoạch trên và kêu gọi ông Orban không thúc đẩy những dự án mà thành phố không mong muốn, sau khi khảo sát tuần rồi cho thấy đa số người dân tại đây phản đối việc xây dựng ngôi trường.

Trước đó, vào ngày 2-6, ông Karacsony đã tuyên bố đổi tên những con đường quanh lô đất của dự án thành “Hong Kong tự do”, “Đạt Lai Lạt Ma” và “Các liệt sĩ Duy Ngô Nhĩ”, nhằm phản đối dự án trên.

Phản hồi lại động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc đổi tên đường là “dưới mức tầm thường” và sẽ không ảnh hưởng đến dự án.

Hãng thông tấn MTI dẫn lời quan chức chính phủ Hungrary Tamas Schanda tuyên bố cuộc biểu tình là không cần thiết. Ông cũng bác bỏ những lời đồn thổi vô căn cứ và các báo cáo của các kênh truyền thông về mối quan hệ giữa chính quyền nước này với Bắc Kinh.

Cuộc biểu tình ở Budapest ngày 5-6. Ảnh: SCMP

Khả năng hoãn xây cơ sở Đại học Phục Đán ở Budapest

Tuy nhiên, sau cuộc biểu tình rầm rộ ngày 5-6, chính phủ Hungary có thể lùi dự án xây cơ sở Đại học Phúc Đán tại Budapest đến sau cuộc bầu cử năm 2022, theo tờ South China Morning Post.

Theo bản ghi cuộc phỏng vấn của tuần san Mandiner với Bộ trưởng Nội các Hungary Gergely Gulyas được công bố hôm 6-6, chính phủ của Thủ tướng Orban ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý ở Budapest trong khoảng 18 tháng về việc xây cơ sở của Đại học Phúc Đán tại thành phố này.

Mandiner đưa tin chính phủ đã sẵn sàng trình kế hoạch dự án tới các cử tri Budapest vào năm 2023, giúp phổ biến vấn đề một cách hiệu quả trước cuộc bầu cử quốc hội gay cấn nhất trong hơn một thập niên.

Đại học Phúc Đán là một trong những cơ sở giáo dục uy tín nhất của Trung Quốc. Khuôn viên ở Budapest, ban đầu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024, sẽ là địa điểm đầu tiên của trường Đại học Phúc Đán ở Liên minh châu Âu.

Theo đài BBC, việc xây dựng cơ sở Đại học Phúc Đán ở Budapest ước tính tiêu tốn khoảng 1,8 tỉ USD. Số tiền này nhiều hơn con số mà chính phủ của Thủ tướng Orban đã chi cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của Hungary vào năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới