Ngày 22-3, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố trừng phạt bốn quan chức và một thực thể kinh tế Trung Quốc (TQ) với cáo buộc vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương. Các quan chức bị trừng phạt sẽ chịu các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Các tổ chức và công dân thuộc các nước EU cũng không được giao dịch với các đối tượng bị trừng phạt. Đây cũng là biện pháp trừng phạt đầu tiên được EU áp lên Bắc Kinh, kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989, theo hãng tin Reuters.
Tiêu điểm Ngày 20-3, Eurostat, Cơ quan Thống kê EU công bố số liệu cho thấy TQ vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của EU tính đến tháng 1 năm nay. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của EU sang TQ trong tháng 1 đạt hơn 19 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ TQ giảm 3,8% xuống còn hơn 39 tỉ USD. |
Trung Quốc, phương Tây trả đũa qua lại
Động thái của EU nhanh chóng nhận sự ủng hộ từ những nước khác. Mỹ, Anh, Canada đồng loạt công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức và cựu quan chức Tân Cương. Tuyên bố chung của ngoại trưởng ba nước này nhấn mạnh Bắc Kinh phải chấm dứt “các hoạt động đàn áp” ở đây, đài CNN cho biết.
Úc và New Zealand, hai nước có quan hệ kinh tế và vị trí địa lý gần TQ hơn, chỉ chọn ra tuyên bố chung, thể hiện sự ủng hộ các hành động của Mỹ, EU, Anh và Canada. Trong tuyên bố chung ngày 22-3, ngoại trưởng hai nước này “quan ngại nghiêm trọng về việc ngày càng có nhiều báo cáo đáng tin cậy về những vụ vi phạm quyền con người nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương”.
Đáp trả động thái của EU, TQ ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc liên quan đến vi phạm quyền con người hay cưỡng chế lao động ở Tân Cương. Phía TQ khẳng định các trại tập trung này được xây dựng với mục tiêu cải tạo các phần tử cực đoan và dạy người dân kỹ năng nghề nghiệp để hòa nhập với dân tộc khác. Nước này đồng thời công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính trị gia và học giả), trong đó có thành viên Nghị viện châu Âu Reinhard Butikofer và bốn thực thể mà theo Bắc Kinh đã “làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của TQ” liên quan vấn đề Tân Cương. Đại sứ EU tại TQ Nicolas Chapuis cũng bị Bắc Kinh triệu tập ngay trong ngày 22-3 để phản đối các lệnh trừng phạt của EU.
Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết lệnh trừng phạt của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận được”. “Thay vì thay đổi chính sách và giải quyết những quan ngại hợp pháp của chúng tôi, TQ một lần nữa làm ngơ và những biện pháp này một cách rất đáng tiếc và không thể chấp nhận được. EU sẽ không nhân nhượng” - ông Borrell khẳng định. Hà Lan đã triệu tập đại sứ TQ sau khi Bắc Kinh thông báo lệnh trừng phạt. Nghị viện châu Âu cùng các ngoại trưởng Đức, Hà Lan, Bỉ và một số nước khác cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.
Binh sĩ Trung Quốc tuần tra bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở khu tân trị
Tân Cương hồi tháng 11-2018. Ảnh: AP
Nguy cơ đổ vỡ quan hệ thương mại EU - TQ
Reuters cho rằng bước đi nói trên của EU nhiều khả năng báo hiệu một thời kỳ mới trong quan hệ với TQ với ba đặc điểm.
Đầu tiên, EU coi trọng hơn khía cạnh dân chủ, quyền con người và nhà nước pháp quyền và sẵn sàng đòi hỏi nhiều hơn các đối tác phải có cùng các giá trị như vậy. Thứ hai, EU thể hiện tự tin hơn và không ngại mạnh tay, nặng lời hơn với TQ. Cuối cùng, EU đồng hành với Mỹ và các nước phương Tây khác trong nỗ lực kìm hãm ảnh hưởng của TQ để tránh gây tổn hại đến trật tự thế giới hiện tại. Về phía TQ, mọi chuyện liên quan dân chủ, quyền con người và nhà nước pháp quyền kiểu phương Tây đều vô cùng nhạy cảm đối với nước này nên Bắc Kinh gần như không thể nhượng bộ EU.
Điều này dẫn tới quan hệ hai bên đang hướng tới một tương lai căng thẳng và khó khăn, không có lợi cho việc đàm phán hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Mặt khác, viễn cảnh này cũng đang bắt đầu thành hiện thực khi một số thành viên Nghị viện châu Âu mới đây cảnh báo sẽ cân nhắc không phê duyệt thỏa thuận đầu tư EU - TQ vì các động thái của Bắc Kinh, mặc cho việc hai bên đã có hơn 30 vòng đàm phán liên tục từ năm 2013 đến nay.
“Việc gỡ bỏ trừng phạt đối với các nghị sĩ là điều kiện trước tiên để chúng tôi bắt đầu các cuộc đối thoại cùng chính phủ TQ về thỏa thuận đầu tư này” - bà Kathleen van Brempt, nghị sĩ thuộc Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), nhấn mạnh. S&D là nhóm chính trị lớn thứ hai tại Nghị viện châu Âu với 145 nghị sĩ.
Hồi tháng 12-2020, Chủ tịch Ủy ban châu ÂU (EC) Ursula von der Leyen từng tuyên bố nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ cho phép các nhà đầu tư châu Âu được tiếp cận thị trường TQ với cơ hội “chưa từng có”.•
Ngoài các diễn biến căng thẳng nói trên với TQ, quan hệ giữa EU với Nga cũng đang bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị ngày 22-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Moscow từ lâu không có quan hệ với EU như với một tổ chức mà chỉ quan hệ với từng thành viên đơn lẻ, theo hãng tin AFP. “Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng Moscow không có mối quan hệ nào với EU như với một tổ chức. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của mối quan hệ đó đã bị các quyết định đơn phương của Brussels phá hủy. Khi nào EU tự mình thấy rằng đã đến lúc khắc phục tình trạng bất thường này thì Nga sẽ sẵn sàng tăng cường quan hệ trên cơ sở bình đẳng, tìm kiếm sự cân bằng lợi ích giữa các bên“ - Ngoại trưởng Nga Lavrov nói. |