Trung Quốc phát tín hiệu muốn hòa hoãn với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tháng 9, Mỹ cùng các đồng minh đã triển khai hàng loạt động thái đáng chú ý liên quan đến vấn đề Trung Quốc (TQ). Ngày 15-9, lãnh đạo ba nước Mỹ - Anh - Úc bất ngờ công bố Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) với mục tiêu củng cố hợp tác an ninh - quân sự và ngoại giao, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD). Có thể thấy rất rõ ý định kìm hãm TQ về mặt quân sự trong khu vực thông qua thỏa thuận này. 

Cuộc đấu không cân sức của Trung Quốc

Đến ngày 24-9, đến lượt lãnh đạo các nước thuộc “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) có cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Nhà Trắng. Tuyên bố chung sau sự kiện này tiếp tục cho thấy AĐD - TBD vẫn là ưu tiên, TQ là đích nhắm cạnh tranh trên các lĩnh vực công nghệ, kinh tế và thiết lập chuỗi cung ứng khu vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tiếp đón Tổng thống Joe Biden (trái - lúc này còn là phó tổng thống) thăm Trung Quốc hồi tháng 12-2013. Ảnh: AP

Theo hãng tin Bloomberg, việc Mỹ và đồng minh dần siết chặt thế vây quanh TQ ở AĐD - TBD trên mọi mặt trận đang đẩy TQ vào thế bất lợi hơn bao giờ hết. Quyết định của Mỹ, Anh hỗ trợ trang bị cho đồng minh Úc các tàu ngầm hạt nhân theo khuôn khổ thỏa thuận AUKUS đã nêu bật thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt. Với động thái chiến lược này, Mỹ đang thách thức TQ nhảy vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, với mức chi phí phải bỏ ra lớn gấp nhiều lần những gì TQ đang đầu tư để đuổi kịp Mỹ.

Giả sử TQ có quy mô quân đội gần tương đương với Mỹ và đà tăng trưởng kinh tế vẫn giữ nguyên như hiện tại với GDP của TQ (xấp xỉ 15.000 tỉ USD vào năm 2020) bằng khoảng 70% GDP của Mỹ (khoảng 21.000 tỉ USD vào năm 2020) và có khả năng vượt Mỹ trong vòng 15 năm tới thì trong tương lai gần, chi tiêu quốc phòng của TQ mới có thể tương đương mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ.

Tuy nhiên, bài toán sẽ thay đổi hoàn toàn nếu tính đến sức mạnh kinh tế tổng hợp của các quốc gia thành viên trong nhóm QUAD. Với tổng GDP vào khoảng 30.000 tỉ USD, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, có thể thấy tiềm lực kinh tế của nhóm này cao gần gấp đôi so với TQ. Cùng với việc duy trì chi tiêu quân sự ở mức 3% GDP ở mỗi thành viên, ngân sách quốc phòng của nhóm QUAD gộp lại sẽ là 900 tỉ USD. Như vậy, TQ - quốc gia đã chi 250 tỉ USD cho quân sự năm 2020, gần như sẽ phải tăng gấp bốn lần ngân sách quốc phòng hiện tại mới có thể bắt kịp nhóm này.

“Điều này cho thấy việc TQ nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo dựa trên sức mạnh của nền kinh tế đang phát triển là điều phi thực tế. Đó là chưa xét tới vấn đề công nghệ quân sự - lĩnh vực mà Mỹ đã dẫn đầu thế giới hàng chục năm qua với kho vũ khí tối tân khổng lồ, sau nhiều thập niên chi tiêu bộn tiền cho quân sự” - Bloomberg nhấn mạnh.

Những tín hiệu phát đi từ Trung Quốc

Trên thực tế, bài bình luận mới đây của tờ The Nikkei cho rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh nhận thức rất rõ cuộc đấu không cân sức nói trên. Dù bên ngoài quan chức TQ tiếp tục có những phát ngôn mạnh mẽ nhưng trong nội bộ Bắc Kinh đã không còn muốn theo đuổi lập trường cứng rắn, hướng tới tránh gia tăng thêm căng thẳng.

Dấu hiệu rõ nhất là việc TQ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16-9, chỉ một ngày sau khi Liên minh AUKUS được công bố. Do kế thừa từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điểm trọng tâm của CPTPP vẫn là kết nối một loạt nền kinh tế lớn trong và ngoài khu vực, thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mà không có yếu tố TQ. Do đó, con đường vào CPTPP của TQ chắc chắn không hề dễ dàng, nhất là khi một số thành viên CPTPP chủ chốt như New Zealand, Úc và Nhật đều đang có những mâu thuẫn riêng với TQ.

“Vì vậy, lý do lớn nhất mà TQ chấp nhận tất cả thách thức này để xin vào CPTPP nằm ở việc họ không muốn bị bỏ rơi trong cuộc chơi sắp tới mà Mỹ và các đồng minh đang là những bên chủ động đặt ra luật. Họ không muốn bị tẩy chay, đứng ngoài và nhìn các nước trong khu vực trở nên thân thiết với phương Tây hơn. Những thay đổi đó không có lợi cho vị thế TQ” - The Nikkei bình luận.

Sự xuống thang căng thẳng cũng được thể hiện qua một sự kiện khác là cuộc điện đàm giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden kéo dài khoảng 90 phút vào ngày 10-9. Cuộc điện đàm là diễn biến đáng chú ý bởi đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước sau gần bảy tháng im lặng. Theo các nguồn tin ngoại giao của The Nikkei, ông Biden khi đó cho biết Washington sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện tại AĐD - TBD, nhấn mạnh các nước nên xây dựng một khuôn khổ để tránh đụng độ quân sự.

Ông Tập sau đó cũng có lên tiếng phản đối chính sách của Mỹ nhưng đồng ý thúc đẩy đối thoại song phương. Cuộc trò chuyện này cũng được đánh giá là không còn dữ dội như các đợt đối thoại trước. Thậm chí, hai người còn đề cập những chuyến đi cùng nhau đến các TP ở Mỹ và TQ do đã quen nhau từ trước, khi ông Biden còn là phó tổng thống Mỹ, còn ông Tập là phó chủ tịch TQ.

Theo cựu đại sứ Nhật tại TQ Yuji Miyamoto, một lý do nữa giải thích tại sao TQ không thể tiếp tục đối đầu Mỹ trong giai đoạn hiện tại là bởi Bắc Kinh đang thực hiện một loạt cải cách xã hội sâu rộng với mục tiêu thúc đẩy “thịnh vượng chung” trong nước. Khởi động vào tháng 8, đây là đợt cải cách được đánh giá có quy mô lớn nhất trong 30 năm trở lại đây ở TQ nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập và tài sản, trong đó giới siêu giàu buộc phải có trách nhiệm với xã hội và đóng góp nhiều hơn.

“Sự thành bại của đợt cải cách này có thể quyết định toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông Tập và tương lai của TQ. Ông ấy không thể bất chấp rủi ro để đối đầu Mỹ vì nền kinh tế TQ có nguy cơ bị tổn hại. Các cơ quan TQ cũng đang phải tập trung rất nhiều nguồn lực cho cải cách nên không còn thì giờ để giải quyết thêm những vấn đề khác” - ông Miyamoto chia sẻ.

Với tất cả thông tin trên, The Nikkei đánh giá cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung thời gian tới dù có thể sẽ không biến mất hoàn toàn nhưng sẽ giảm đáng kể mức độ căng thẳng. Mỹ và các bên liên quan nên tận dụng cơ hội này để triển khai các cơ chế, giao thức ngoại giao hiệu quả nhằm hạn chế bùng phát căng thẳng trong tương lai.•

TQ dù có thiện chí giảm căng thẳng là tốt nhưng sẽ còn tốt hơn nữa nếu họ tránh hành động gây leo thang căng thẳng tại biển Hoa Đông, Biển Đông. Việc rút quân khỏi một số khu vực tranh chấp ở biên giới Trung - Ấn sẽ là những dấu hiệu ban đầu thể hiện thiện chí.

GS MINXIN PEIĐH Claremont McKenna (Mỹ) 

 

Ngày 28-9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR) đã cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đang cố tình ngăn cản các hãng hàng không nội địa của TQ mua các máy bay do Tập đoàn Boeing (Mỹ) sản xuất, theo hãng tin Reuters. Bà khẳng định TQ đang vi phạm các cam kết mua hàng hóa của Mỹ mà Bắc Kinh đã đưa ra vào năm 2020 trong các vòng đàm phán thương chiến. Hành động của TQ có nguy cơ khiến Mỹ thiệt hại hàng chục tỉ USD.

Hiện Boeing từ chối bình luận. Đại sứ quán TQ tại Washington chưa lên tiếng về thông tin trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm