Đáp trả luật mới của Trung Quốc, Mỹ điều thêm tàu sân bay đến Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-9 tờ Stars and Stripes dẫn thông báo Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết nhóm tấn công tàu sân bay Carl Vinson (VINCSG) đã có đợt triển khai hoạt động đầu tiên ở Biển Đông trong năm 2021.

Duy trì hòa bình và tự do hàng hải ở khu vực

Ở Biển Đông, nhóm tấn công đang tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay bằng máy bay cánh cố định và cánh quay, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt đất và không quân. Hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông là một phần trong hoạt động hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trong các vùng biển quốc tế là quan trọng, và nó đặc biệt quan trọng ở Biển Đông, nơi gần một phần ba thương mại hàng hải toàn cầu qua lại mỗi năm" - Chuẩn đô đốc Dan Martin, chỉ huy trưởng Nhóm tấn công tàu sân bay Carl Vinson nhấn mạnh.

Máy bay F/A-18E Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông ngày 6-9-2021. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

"Khi quá cảnh từ San Diego đến Biển Đông, chúng tôi có được đặc ân và hân hạnh khi được hợp tác với các đồng minh, đối tác và đồng đội trong việc đào tạo, tập trận, tham gia và triển khai hoạt động. Tất cả đều có mục tiêu chung là đảm bảo hòa bình và ổn định trong toàn khu vực" - ông nói thêm.

Trong khi đó, phát ngôn viên của nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson - Trung tá Cmdr. Miranda Williams khẳng định các hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ hay bất thường.

"Hải quân của chúng tôi đã bay, đi thuyền và hoạt động trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế trong hơn 75 năm và sẽ tiếp tục làm như vậy" - bà nói.

Một tháng trước khi tiến vào Biển Đông, VINCSG đã tham gia Cuộc tập trận Quy mô lớn 2021 với nhóm tấn công tàu sân bay Anh (CSG-21) và tiến hành một cuộc tập trận song phương với các đơn vị Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Liên hợp.

Nhóm tấn công cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như thể hiện khả năng triển khai nhanh chóng của các lực lượng hải quân  ở khu vực.

Đáp trả luật an toàn hàng hải Trung Quốc

Quá trình triển khai nhóm tàu sân bay mới diễn ra cùng thời điểm tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold khẳng định quyền và tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý ở đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Điều này nhằm đáp trả việc Bắc Kinh ban hành luật an toàn hàng hải sửa đổi và bổ sung, trong đó quy định tàu thuyền của các nước phải khai báo trước khi tiến vào "lãnh hải của Trung Quốc" - một khái niệm mơ hồ nước này tự ý đặt ra để thực hiện âm mưu bành trướng ở khu vực.

"Không có tàu chiến nào thông báo cho bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông" - phát ngôn viên Hạm đội 7, Trung úy Mark Langford nói với Stars and Stripes trong một email.

Trước đó, đáp lại việc Trung Quốc nói tàu Benfold đã đi vào khu vực đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không khai báo với Bắc Kinh, Hạm đội 7 đã ra một tuyên bố rắn. Trong đó, Mỹ khẳng định việc triển khai tàu Benford hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế. Washington gọi tuyên bố của Bắc Kinh là "hành động mới nhất trong một chuỗi dài" nhằm xuyên tạc các hoạt động của Hải quân và "khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức và phi pháp".

Theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ), Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng quân sự ở các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 2014. Đá Vành Khăn là một trong số đó.

"Luật của Trung Quốc sẽ không thể cản trở các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực" - ông John Supple, phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định, đồng thời tuyên bố Hải quân sẽ ra khơi ở "bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm