'Luật an toàn hàng hải của TQ lặp lại kết cục tuyên bố về ADIZ ở biển Hoa Đông'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà quan sát cho biết luật mới yêu cầu các tàu nước ngoài phải khai báo trước khi đi vào vùng "lãnh hải" của Trung Quốc sẽ có kết cục giống tuyên bố của Bắc Kinh về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

"Lãnh hải" của Trung Quốc là một khái niệm mơ hồ mà nước này tự đặt ra.

Trước đó, Cơ quan An toàn Hàng hải cho biết kể từ ngày 1-9, các tàu nước ngoài đi vào khu vực mà Bắc Kinh tự ý cho là thuộc lãnh hải của mình sẽ phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không nói rõ luật mới này sẽ được thực thi như thế nào.

Lặp lại kết cục của tuyên bố về ADIZ ở biển Hoa Đông năm 2013

Ông Collin Koh - chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết các nước lớn như Mỹ sẽ không tuân theo quy định.

Một kết quả như vậy sẽ lặp lại kết cục của tuyên bố về ADIZ ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2013. Khi đó, Bắc Kinh công bố ADIZ của mình và yêu cầu các máy bay nước ngoài, ngay cả khi đang ở trong không phận quốc tế, đều phải báo cáo với nước này.

Một tàu tuần duyên của Trung Quốc. Ảnh: COSTFOTO/BARCROFT MEDIA

Động thái của Bắc Kinh đã gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia bao gồm cả Nhật và Mỹ.

ADIZ là một vùng trời mở rộng so với không phận của một quốc gia, giúp cung cấp hệ thống cảnh báo sớm để nước này phát hiện những sự xâm nhập có thể xảy ra trong vùng không phận của họ.

Khái niệm này được Mỹ thực thi lần đầu tiên vào năm 1950. Tuy nhiên, nó không thuộc bất kỳ hiệp ước quốc tế nào và cũng không được coi là không phận lãnh thổ của quốc gia tuyên bố. Vì thế, bất kỳ việc tấn công nhằm vào máy bay nào cũng đều vi phạm luật quốc tế.

Ông Koh dự đoán sẽ có một số bên và quốc gia có thể cố gắng tuân thủ luật mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, các bên có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh hoặc có lợi ích trực tiếp ở khu vực khó có thể tuân thủ, đặc biệt là Mỹ.

Theo ông Koh, Washington sẽ coi đó là một ví dụ khác về nỗ lực leo thang của Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển.

"Chúng ta có thể mong đợi các cường quốc ngoài khu vực khác cũng coi thường điều đó (luật của Trung Quốc)" - ông nói.

Theo chuyên gia Koh, quy định mới được thiết kế để củng cố quan điểm của Trung Quốc về lãnh hải và sẽ làm tăng nguy cơ kích động tranh chấp với các bên có yêu sách chủ quyền khác.

Chuyên gia Trung Quốc nói gì?

Ông Shi Yinhong - chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh đồng ý rằng việc thực thi sẽ là một thách thức.

"Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như các nước phương Tây như Mỹ và Anh - vốn phản đối hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, sẽ không tuân theo quy định này" - ông Shi nhận định.

Các nhà quan sát ngoại giao và pháp lý Trung Quốc cũng cho biết việc thực thi sẽ khó khăn.

Biển Đông đã trở thành vấn đề nóng trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Washington ngày càng quyết đoán hơn trong việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này. Căng thẳng cũng leo thang giữa Bắc Kinh và các bên tranh chấp khác bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Tòa Trọng tài năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi các tuyên bố này là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn cố tình phớt lờ và từ chối thực thi phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm