Biển Đông: Luật mới từ 1-9 của Trung Quốc rất nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ hôm nay (1-9), Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc (TQ) yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải tuân thủ quy định mới trong Luật an toàn giao thông hàng hải của nước này, cụ thể là phải cung cấp các thông tin khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh gọi là “lãnh hải”. Ngoài ra, Bắc Kinh có quyền ngăn chặn và dừng lại các tàu nước ngoài qua lại mà TQ xác định là “không vô hại” trong “lãnh hải” của TQ.

Sự lập lờ của Trung Quốc

Tháng 2-1992, TQ ban hành luật về vùng “lãnh hải” trong đó Bắc Kinh định nghĩa “lãnh hải” là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ đất liền và vùng nội thủy TQ, có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở thẳng.

Mới nghe qua thì tưởng khái niệm này phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà TQ cũng là thành viên, nhưng thực chất thì không phải như vậy.

Lý do là cũng trong bộ luật năm 1992, TQ nhắc lại (tuyên bố 1958 của nước này) rằng lãnh thổ đất liền của TQ bao gồm Đài Loan và các nhóm đảo khác như Điếu Ngư/Senkaku (tranh chấp với Nhật Bản), Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức là Trường Sa).

Yêu sách vô lý này đã ôm trọn khoảng hơn 90% diện tích khu vực Biển Đông. Các chính trị gia hay học giả quốc tế nói gọn rằng “TQ muốn chiếm hầu hết Biển Đông”. Bắc Kinh cũng ngang ngược đơn phương tuyên bố lập trường này trong các công hàm số CML/14/2019, CML/11/2020 và CML/42/2020 gửi lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Tàu Hải quân Indonesia chạm trán tàu hải cảnh TQ gần quần đảo Natuna phía nam Biển Đông hồi tháng 1-2020. Ảnh: REUTERS

Năm 2016, sau khi Tòa Trọng tài ra tuyên bố phán quyết vụ Philippines kiện TQ, yêu sách đường lưỡi bò đã “phá sản” khi Tòa xác định cái mà TQ gọi “quyền lịch sử” không phù hợp với quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, TQ đến nay vẫn bác bỏ phán quyết này. Điều đó càng khiến mưu đồ của TQ trong độc chiếm Biển Đông đã hoàn toàn lộ rõ. Với cách xác định lãnh thổ như vậy và cách vẽ đường cơ sở để xác định lãnh hải không giống quy định của UNCLOS, vùng biển mà TQ gọi là “lãnh hải” trên thực tế là rất rộng, chồng lấn các các vùng biển của các quốc gia ven biển xung quanh.

Mưu đồ của Trung Quốc

Cụ thể, hơn 25 năm trước (ngày 15-5-1996), TQ đưa ra tuyên bố xác lập đường cơ sở, trong đó họ ngang ngược vạch đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mà họ dùng vũ lực chiếm giữ trái phép và gọi là Tây Sa). Bắc Kinh xác lập 28 điểm cơ sở thuộc các vị trí ở các thực thể thuộc Hoàng Sa, từ đó nối các điểm này thành các đoạn cơ sở thẳng như một ranh giới bao kín toàn bộ quần đảo này (để phục vụ ý đồ xác lập vùng “lãnh hải”, thậm chí là vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).

Các phân tích dựa trên quy định của UNCLOS cho thấy cách vẽ đường cơ sở của TQ theo tuyên bố 1996 là hoàn toàn phạm pháp. Chính vì lẽ đó, Việt Nam ngay lập tức đã lên tiếng phản đối tuyên bố của TQ, đệ công hàm lên Liên Hợp Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Một mặt, TQ không phải là quốc gia có quyền vạch đường cơ sở đối với Hoàng Sa (vì thuộc chủ quyền của Việt Nam); mặt khác, TQ không phải là quốc gia quần đảo nên cách vẽ đường cơ sở như vậy là phạm pháp.

Giới chuyên gia cũng nhận định rằng không chỉ với Hoàng Sa, TQ cũng có mưu đồ vẽ đường cơ sở thẳng tương tự với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thậm chí, Bắc Kinh cũng có thể leo thang ở Biển Đông bằng cách tìm cách vẽ đường cơ sở thẳng cho các thực thể vốn là các thực thể nửa chìm nửa nổi hoặc là các bãi ngầm mà nước này dùng vũ lực chiếm đóng, bồi lấp thành đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa.

Theo tinh thần phán quyết Tòa Trọng tài 2016, việc áp dụng đường cơ sở thẳng đối với quần đảo Trường Sa (hoặc các thực thể ở Trường Sa) như nói ở trên đều trái với UNCLOS. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn bác phán quyết này. Vì vậy, dù ngoài miệng và thậm chí trong Luật an toàn giao thông hàng hải (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-9-2021 thì TQ đều viện dẫn UNCLOS, nhưng thực tế đó là cách TQ bóp méo luật pháp để phục vụ lợi ích riêng. Có thể hình dung, nếu TQ thiết lập cái gọi là vùng “lãnh hải” ở Hoàng Sa, Trường Sa hay các đảo nhân tạo cùng các khu đảo khác ở Biển Đông thì gần như mọi tàu thuyền khi vào Biển Đông đều phải khai báo; đều có thể chịu sự kiểm soát của nước này.

Các nước phải cùng nhau lên tiếng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định rằng nếu TQ tuân thủ theo quy định UNCLOS một cách thực chất, thì việc yêu cầu một số tàu thuyền, phương tiện đi vào trong vùng “lãnh hải” là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cả về pháp lý và hành động trên thực tiễn đều cho thấy yêu sách của TQ là phi pháp, trái với UNCLOS.

“Chúng ta có thể thấy TQ bất tuân phán quyết Tòa Trọng tài 2016; nước này cũng đưa ra các khái niệm về “lãnh hải” vô lý. Vì vậy, nếu áp dụng quy định sửa đổi, bổ sung trong Luật an toàn giao thông hàng hải vào vùng biển không thuộc thẩm quyền của TQ theo UNCLOS, thì Bắc Kinh không có quyền yêu cầu tàu thuyền các nước khai báo hay tuân thủ các quy định của luật pháp TQ” – Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Vị này nói thêm trên thực tế luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS đã quy định rất rõ ràng về khái niệm vùng lãnh hải, cách xác định vùng lãnh hải cũng như các vùng biển khác (vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…). Tất cả các quốc gia, nhất là những nước là thành viên của Công ước này như TQ, buộc phải tuân thủ tuyệt đối.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong một đợt diễn tập hồi tháng 11-2019. Ảnh: ALAMY

Một số chuyên gia còn lo ngại TQ dựa vào cách diễn dịch chủ quyền, đường cơ sở… vô lý để xác định vùng lãnh hải vô lý, từ đó làm “bàn đạp” để kiểm soát, hạn chế, ngăn cản tàu thuyền nước ngoài mà TQ coi là đối tượng có thể “gây mất an ninh” của nước này.

Các quy định mới của TQ cũng có thể dùng làm “cái cớ” để nhắm vào tàu thuyền quân sự, tàu thuyền khai thác tài nguyên… của các nước xung quanh và bên ngoài Biển Đông. Thậm chí, TQ cũng có thể dựa vào vùng “lãnh hải” để tổ chức các hoạt động làm gián đoạn tạm thời hoạt động tự do hàng hải để tiến hành tập trận hay các lý do an ninh mà nước này đơn phương tuyên bố. Rủi ro mất an ninh và tự do hàng hải ở vùng biển thuộc nhóm nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất của thế giới sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt khi Luật Hải cảnh TQ đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2-2021.

“Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế phải cùng lên tiếng, gây sức ép với TQ để buộc họ không được thực thi các điều luật vi phạm UNCLOS. Trong các diễn đàn ngoại giao, an ninh song phương, đa phương, thậm chí tại Liên Hợp Quốc, vấn đề yêu sách phi pháp của TQ ở Biển Đông cần được thảo luận nhiều hơn. Biển Đông không phải chuyện riêng của một vài nước mà là của cả ASEAN và các quốc gia khác trên thế giới. Tôi không nghĩ tàu ngầm hay súng đạn là có thể ngăn TQ bành trướng, quan trọng nhất là sức ép ngoại giao từ cộng đồng quốc tế phải đủ lớn. Nói nôm na, chúng ta không sợ TQ làm chuyện xấu, mà cái chính là tất cả các nước phải đồng lòng lên tiếng để bảo vệ lẽ phải, công bằng, thượng tôn pháp luật.” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

“Nội luật hóa” UNCLOS cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Luật an toàn hàng hải sửa đổi của TQ được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước này thông qua tại kỳ họp thứ 28 và được Chủ tịch Tập Cận Bình ký ban hành vào ngày 29-4-2021, có hiệu lực từ hôm nay (1-9-2021). Đây là luật sửa đổi Luật an toàn hàng hải được thông qua năm 1983 và được sửa đổi vào năm 2016. Luật mới bao gồm 10 chương và 122 điều, so với luật sửa đổi trước đó bao gồm 12 chương và 53 điều.

UNCLOS năm 1982 quy định rõ ràng rằng các quốc gia ven biển (trong đó có TQ) nếu ban hành luật pháp để quản lý vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia của mình thì phải phù hợp với quy định của Công ước. Bắc Kinh rất lập lờ, bề ngoài và trong luật thì ghi hoặc viện dẫn UNCLOS nhưng thực tế cái mà TQ gọi là UNCLOS lại “không giống” như Công ước mà TQ đã ký và có giá trị chung với các nước. Nói cách khác, TQ chỉ mượn tên UNCLOS, trong khi đó họ bẻ cong các nội dung của Công ước để phục vụ lợi ích riêng.

TQ đang cố gắng “nội luật hóa” những quy định của UNCLOS cho vùng biển “thuộc quyền tài phán” của mình để tiện bề biện minh cho những hoạt động sai trái của mình. Hồi đầu năm 2021, TQ bắt đầu áp dụng Luật Hải cảnh cũng nằm trong ý đồ này. Bộ luật này được giới chuyên gia đánh giá là “mở đường” cho việc TQ sử dụng vũ lực ở khu vực.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm