Tàu khu trục Mỹ thực thi tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold của lực lượng này ngày 8-9 đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế

Theo thông báo, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) này nhằm duy trì các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp biển. 

Tàu USS Benfold đã chứng minh rằng Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), là thực thể chìm ở triều cao (low-tide elevation), không thể có lãnh hải theo luật pháp quốc tế.

Tàu khu trục USS Benfold. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Thông báo của Hạm đội 7 nêu rõ Mỹ tham gia vào "các hoạt động bình thường" trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn. 

Theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các thực thể địa lý như Đá Vành Khăn - là một nền đất được hình thành tự nhiên, hoàn toàn chìm dưới mặt nước khi triều cao nhưng lại nổi lên trên mặt nước khi triều thấp – không thể có lãnh hải. 

Các nỗ lực cải tạo đất, lắp đặt và các cấu trúc được xây dựng trên Đá Vành Khăn không thay đổi đặc điểm này theo luật quốc tế. 

Thông qua việc tham gia vào các hoạt động bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, Mỹ chứng minh rằng các tàu có thể thực hiện hợp pháp các quyền tự do trên biển ở những khu vực đó.

Theo Hạm đội 7, các lực lượng Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới. 

“Tất cả các hoạt động của chúng tôi được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời chứng minh rằng Mỹ sẽ bay, triển khai tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép — bất kể vị trí của các yêu sách hàng hải quá mức và bất kể các sự kiện hiện tại” – thông báo nêu rõ.

Mỹ đề cao tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các sứ mệnh của Chương trình Tự do Hàng hải là hòa bình và được tiến hành không thiên vị hoặc chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào. 

“Các sứ mệnh này dựa trên nền tảng pháp quyền và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc duy trì các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời được đảm bảo cho tất cả các quốc gia” – Hạm đội 7 cho biết.

“Hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần hoạt động hàng ngày của lực lượng quân đội Mỹ trong toàn khu vực” – lực lượng này nhấn mạnh.

Tàu khu trục Mỹ thực thi tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Liên quan động thái của Mỹ, kênh Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đưa tin quân đội Trung Quốc hôm 8-9 cho biết đã “xua đuổi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông”.

CGTN dẫn lời ông Điền Quân Lý (Tian Jun Li) - người phát ngôn Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc – hôm 8-9 cho biết “hành động của quân đội Mỹ đã phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

Chiến khu Nam bộ sẽ "luôn cảnh giác cao độ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực" - ông Điền cho biết.

Đá Vành Khăn là một trong bảy thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Việt Nam trước nay luôn khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm