Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 16-8 đưa tin trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tới Nepal vừa qua, hai nước đã ký ba thỏa thuận hợp tác.
Cụ thể, Bắc Kinh đã đồng ý cung cấp một gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 1 triệu USD cho Nepal. Ngoài ra, theo thông tin của Bộ Ngoại giao Nepal, một trong các thỏa thuận được ký hôm 15-8 là một thỏa thuận liên quan tới khai thác khí tự nhiên và dầu mỏ. “Trung Quốc sẵn sàng giúp Nepal tăng cường sự độc lập về năng lượng” - ông Uông nói.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đồng ý cung cấp hỗ trợ cho Nepal để giúp nước này sửa chữa các đoạn cầu cùng cơ sở hạ tầng khác ở khu vực biên giới tại cảng Tatopani. Đây là một dự án xây dựng chung của hai nước. Nepal mong muốn Trung Quốc sẽ mở cảng này sớm sau khi cơ sở hạ tầng tại đây bị thiệt hại trong trận động đất hồi tháng 4-2015.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương (trái) bắt tay với người đồng cấp Nepal Bijay Kumar Gachhadar hôm 15-8. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tới thăm Nepal từ hôm 14-8. Ông mô tả hai nước Nepal-Trung Quốc là “những người bạn và đối tác đáng tin cậy”. Quan chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự hợp tác của Kathmandu trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh.
Chuyến thăm được thực hiện giữa bối cảnh căng thẳng biên giới Trung-Ấn ở cao nguyên Dokalam không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước chuyến thăm Nepal, ông Uông thậm chí đã tới tham dự quốc khánh của Pakistan và tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Theo SCMP, căng thẳng Trung-Ấn khiến Nepal rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tờ Sputnik hôm 8-8 cũng từng đề cập tới vấn đề này khi Nepal đứng trước thế cờ cả hai nước lớn đều muốn giành được sự ủng hộ về vấn đề căng thẳng biên giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba sẽ có chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng này. Trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Deuba, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã tới thủ đô Kathmandu của Nepal để tham dự Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 15 của tổ chức Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) hôm 10-8.
“Ảnh hưởng của căng thẳng Dokalam lên Nepal là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Nepal tin rằng lợi ích kinh tế chung và sự hợp tác giữa Trung-Ấn sẽ quan trọng hơn sự kình địch về địa chính trị và họ nên tránh đối đầu” - Rupak Sapkota, Tổng Thư ký Viện phân tích chiến lược Nepal, nhận định.
Trong khi đó, Bhaskar Koirala, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược Nepal, cho rằng Nepal rất dễ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc vì có vị trí nằm giữa hai quốc gia này. “Nepal rõ ràng phải duy trì trung lập để đảm bảo căng thẳng không nằm khỏi tầm kiểm soát và không lan rộng ra khu vực” - ông Koirala nói.