Ngày 4-1, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bắt đầu chuyến công du đến ba nước châu Âu (Tây Ban Nha, Đức và Anh) trong chín ngày. Mục đích chuyến đi nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế. Chuyến đi diễn ra tiếp sau nhiều chuyến viếng thăm châu Âu của các nhà lãnh đạo cấp cao chính phủ Trung Quốc trong năm 2010, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tập trung thực hiện chủ trương hỗ trợ châu Âu vượt qua khủng hoảng nợ nần. Chủ trương này đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du khẳng định ngày 23-12.
Trung Quốc đang lần lượt đề nghị được mua lại trái phiếu của các nước châu Âu đang nợ nần chồng chất. Trong chuyến thăm Hy Lạp (nước đầu tiên trong EU nhận giải cứu) hồi tháng 10-2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ mua một số lượng lớn trái phiếu của Hy Lạp.
Biếm họa trên trang mạng THE REAGANITE REPUBLICAN (Mỹ). Chữ trong ảnh: China = Trung Quốc, bailout = giải cứu, Greece = Hy Lạp, Europe = châu Âu, USA = Mỹ)
Một tháng sau đó, trong chuyến thăm Bồ Đào Nha (nước nằm trong danh sách báo động về nợ nần), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc sẽ có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ Bồ Đào Nha vượt qua khủng hoảng. Tháng 12-2010, báo Jornal de Negocios của Bồ Đào Nha đưa tin Trung Quốc sẵn sàng chi 5 tỉ USD mua trái phiếu Bồ Đào Nha vào đầu năm 2011.
Trước chuyến thăm Tây Ban Nha (nước có nguy cơ phải nhờ giải cứu), Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục khẳng định với báo El Pais của Tây Ban Nha về lời đề nghị mua trái phiếu của nước này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha đã không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá.
Vì sao Trung Quốc tập trung ưu ái các nước châu Âu đang bị khủng hoảng nợ? EU là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc vì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Giao dịch thương mại của hai bên trong năm qua đã tăng 33,1% so với năm 2009. EU cũng là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Trung Quốc. Theo số liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc công bố ngày 3-1, trong 11 tháng của năm 2010, EU đã đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc 5.964 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009.
Với chiêu bài tranh thủ giai đoạn khó khăn của châu Âu để ghi điểm, Trung Quốc không mong muốn ra về tay không. Trong chuyến thăm Hy Lạp hồi tháng 10-2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề nghị EU dỡ bỏ lệnh cấm Trung Quốc mua vũ khí từ EU vốn đã được áp dụng 21 năm nay.
Tuần báo New Europe của châu Âu ngày 3-1 đã trân trọng giới thiệu bài viết Quan hệ Trung Quốc-châu Âu vững vàng trong thế giới đầy biến động của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Bài viết ca ngợi quan hệ hợp tác giữa hai bên trong 35 năm qua và mong muốn phát triển hơn nữa năm 2011. Ngày 3-1, tại Diễn đàn Thương mại và Kinh tế cấp cao EU-Trung Quốc lần ba tại Trung Quốc, hai bên đã nhất trí sẽ cùng đối xử công bằng với mọi hàng hóa không kể xuất xứ của hai bên. Trung Quốc cam kết sẽ không ngưng xuất khẩu đất hiếm trong thời gian tới. |
THIÊN ÂN (Theo Xinhua, Asia One, People Daily)