Trung Quốc và tham vọng giành 'mồi ngon' của Mỹ, Nga ở Trung Đông

(PLO)- Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dần thay thế Mỹ và Nga ở thị trường vũ khí Trung Đông.

Bằng cách đưa ra một mức giá phải chăng, nhiều cách thanh toán linh hoạt và đảm bảo giao hàng đúng tiến độ, Trung Quốc (TQ) đang dần tiến sâu vào thị trường vũ khí Trung Đông, vốn từng là "miếng mồi ngon" của Mỹ và Nga.

TQ chen chân vào thị trường vũ khí Trung Đông

Trước đây, Trung Đông chủ yếu dựa vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ và Nga. Giờ đây, với nhiều biến động hiện tại, ngay cả đồng minh truyền thống như Saudi Arabia và Ai Cập cũng đang tìm các phương án "sơ cua", mở ra cơ hội cho TQ, theo tờ Asia Times.

Saudi Arabia

Theo trang Defense Security Monitor, Saudi Arabia có mối quan hệ tích cực với Mỹ về xuất khẩu vũ khí, chính vì thế, điều này càng làm cho Riyadh có lợi ích chính trị hấp dẫn hơn đối với TQ.

Ai Cập được cho là đang đàm phán để mua hàng chục máy bay chiến đấu đa năng Thành Đô J-10C của TQ. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Dù quan hệ thân thiết, Mỹ vẫn không sẵn lòng bán máy bay chiến đấu không người lái (UCAV), bởi Saudi Arabia vẫn chưa là đồng minh thân cận của Washington. Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội này, thu hẹp khoảng cách năng lực của Riyadh bằng cách cung cấp các UCAV và hệ thống tên lửa đạn đạo do nước này sản xuất, bao gồm Wing Loong và CH-4.

Theo báo cáo về xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ở Thụy Điển (SIPRI) năm 2018, Saudi Arabia đặt mục tiêu đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí để mở rộng và tăng cường mạng lưới chính trị quốc tế. Qua đó, Saudi Arabia muốn giảm thiểu tác động của các hạn chế bán vũ khí của phương Tây, sau khi nước này bị chỉ trích vì can thiệp quân sự ở Yemen và các mâu thuẫn với Mỹ về giá dầu.

SCMP vào tháng 5 đã đưa tin Công ty Quân sự Saudi Arabia (SAMI) đang đàm phán để mua máy bay không người lái (UAV) Sky Saker FX80 và CR500, đạn Cruise Dragon 5 và 10 và hệ thống phòng không tầm ngắn HQ-17AE do TQ sản xuất.

Ai Cập

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), không quân Ai Cập được cho là đã sẵn sàng mua 12 máy bay chiến đấu đa năng J-10C của Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIG) của TQ, trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và radar mảng pha điện tử chủ động (AESA).

Theo trang Defense News, trước cuộc đảo chính ở Ai Cập năm 2013, 47% lượng vũ khí nhập khẩu của Cairo là từ Mỹ. Tuy nhiên, sau 2013, Washington đã đóng băng việc bán máy bay, xe tăng và tên lửa cho Cairo trong 2 năm cho đến khi quan hệ được cải thiện.

Máy bay chiến đấu J-10 của TQ. Ảnh: CHINA MILITARY

Do tình trạng đóng băng đó, Ai Cập muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí bằng cách mua số lượng lớn vũ khí từ Nga và Pháp. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine đã buộc Ai Cập phải hủy bỏ kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 từ Moscow. Điều này đã khiến Cairo tìm đến TQ.

Iran

Các biện pháp trừng phạt kéo dài hàng thập niên từ phương Tây, chủ yếu được áp đặt vào những năm 2000 và 2010, đã khiến Tehran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) phải đối mặt với một kho vũ khí lỗi thời.

Đến năm 2019, Iran cho biết họ có một “danh sách mua sắm” vũ khí trị giá 8 tỉ USD cần giải quyết để nối lại các hoạt động quân sự hiện đại. Sau khi lệnh trừng phạt hết hiệu lực vào tháng 10-2020, Iran đã tìm đến thị trường Nga, trong khi ký với TQ một thỏa thuận hợp tác chặt chẽ hơn về chính trị, kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn.

Theo Defense Security Monitor, sở dĩ Iran tìm đến TQ là vì Nga không thể đáp ứng tất cả yêu cầu của Tehran. Giữa lúc Nga dính trừng phạt và bị phương Tây cấm vận các linh kiện sản xuất vũ khí, ngành công nghiệp của TQ trở thành điểm đến duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu về mặt kỹ thuật và chính trị của Iran.

Mặc dù chưa có trường hợp mua vũ khí song phương nào được xác nhận, Iran đã thể hiện rõ sự quan tâm đến vũ khí của Trung Quốc, cụ thể là máy bay chiến đấu J-10.

SCMP ước tính chi phí cho mỗi chiếc J-10 có giá từ 40 triệu đến 65 triệu USD. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là Iran không thể thanh toán bằng đồng USD hoặc euro; Thay vào đó, Tehran đã đề nghị trao đổi dầu và khí đốt tự nhiên như một khoản thanh toán.

Tham vọng của TQ

Theo một bài viết được tổ chức nghiên cứu địa chính trị và an ninh Usanas Foundation (Ấn Độ) công bố vào tháng 5-2022, TQ muốn trở thành một cường quốc ở Trung Đông, nhưng thực dụng và kiềm chế hơn Mỹ.

Theo bài viết này, việc TQ xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông cho thấy nỗ lực thiết lập quyền lực mềm trong khu vực, thể hiện qua việc nước này sẵn sàng bán vũ khí tiên tiến giá cả phải chăng mà không có ràng buộc chính trị. Bởi việc bán vũ khí thường dẫn đến các mối quan hệ lâu dài, vì người mua không chỉ mua mới mà còn yêu cầu bảo dưỡng và nâng cấp trong tương lai.

Qua đó, TQ có thể đang vun đắp quan hệ với các đối tác thân thiện để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ.

Ngoài ra, theo SCMP, việc mua bán cũng thúc đẩy đồng nhân dân tệ, bởi ngày càng nhiều nước Trung Đông đang sẵn sàng thanh toán bằng đồng tiền của TQ. Điều này có thể không phải là một thách thức ngay lập tức đối với đồng USD, nhưng nó là một bước kích thích sử dụng đồng nhân dân tệ và giảm sự phụ thuộc vào tiền Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới