Trung tâm tài chính của Việt Nam cần cơ chế, chính sách vượt trội gì?

(PLO)- Một trong những yêu cầu quan trọng cho sự ra đời và hoạt động của Trung tâm tài chính Việt Nam là cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư trước mắt và lâu dài.

3 nhóm cơ chế chính sách

Tại Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam vừa được công bố, Bộ KH&ĐT khẳng định để xây dựng TTTC, Việt Nam cần cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới.

Theo đó, khung pháp lý áp dụng cho TTTC sẽ khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành, gồm đặc thù về: phát triển hạ tầng, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; ưu đãi về thuế, phí, lệ phí; thu hút nhân lực chất lượng cao...

Vì vậy, theo Bộ KH&ĐT, các cơ chế, chính sách này cần được thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn không gian xác định.

Từ đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị các cơ chế chính sách xây dựng TTTC nên chia thành 3 nhóm: Các chính sách áp dụng ngay (Nhóm 1); Các chính sách áp dụng theo lộ trình để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam (Nhóm 2) và các chính sách cần tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc sau năm 2035 (Nhóm 3).

Trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam dự kiến được đặt tại TP.HCM. Ảnh minh họa: IT

Với nhóm 1, Bộ KH&ĐT đề xuất cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, đi kèm với phân cấp quyền quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro trong hoạt động fintech.

Đặc biệt, có cơ chế ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành đối với hoạt động tài chính xanh, như mua bán tín chỉ các-bon, tài trợ vốn cho các dự án xanh... Cùng với đơn giản hóa thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài so với quy định hiện hành.

Đồng thời, áp dụng thông lệ quốc tế về chuẩn mực kế toán, tài chính, báo cáo tài chính và các thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty. Trong đó, cho phép các chủ thể trong TTTC tự do lựa chọn chuẩn mực báo cáo tài chính.

Ngoài ra, có chính sách ưu đãi cho các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đại diện đến TTTC Việt Nam. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường minh bạch và chuyên sâu; cải thiện cơ cấu và quy định quản lý rủi ro.

Với nhóm 2, Bộ KH&ĐT đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù về: hoạt động ngoại hối; khuyến khích thành lập các công ty có chức năng đầu tư vốn vào công ty khác (holding).

Bên cạnh đó, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng, như thành lập sàn giao dịch chuyên biệt; tiếp tục phát triển các sản phẩm, giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân hoạt động trong TTTC...

Với nhóm 3, tiến tới áp dụng án lệ; xây dựng cơ chế ưu đãi chuyên biệt, bao gồm các loại thuế; thiết lập khung pháp lý và vận hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương quốc gia.

Ưu đãi đầu tư vượt trội về thuế, đất đai, thủ tục…

Đặc biệt, để thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng hạ tầng TTTC, tại Đề án, Bộ KH&ĐT đề xuất cho phép thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội trong TTTC như: miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí; được lựa chọn hình thức cho thuê đất; giảm một số thủ tục đăng ký đầu tư, góp vốn kinh doanh.

Cạnh đó, được hưởng các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, sở hữu các bất động sản du lịch

Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho TTTC được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư xã hội, có thể được huy động từ nhà đầu tư chiến lược và các tổ chức, định chế tài chính thành viên TTTC. Bộ cũng đề xuất cho phép có cơ chế đặc thù để trực tiếp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Về đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, Bộ KH&ĐT đề xuất hỗ trợ tài chính, giao Cơ quan quản lý, điều hành TTTC có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính, dịch vụ tài chính.

Đặc biệt, cần có chiến lược và kế hoạch đào tạo bài bản, gắn với các chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của nhà đầu tư để đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai.

Có thể phối hợp với các Hiệp hội, tổ chức uy tín quốc tế trong lĩnh vực tài chính hoặc nghiên cứu thành lập phân viện, các trung tâm đào tạo chuyên biệt cho TTTC tại Việt Nam...

Tập trung đột phá thể chế

Nhìn nhận xây dựng TTTC tại TP.HCM và Đà Nẵng là nhiệm vụ phức tạp, bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)- cho rằng để thành công trong việc xây dựng TTTC cần đặc biệt chú trọng đến thể chế.

Cụ thể, bà cho rằng đi kèm với xây dựng TTTC quốc tế phải có thể chế chính sách riêng cho TTTC quốc tế. Bởi khi mở ra TTTC quốc tế, đòi hỏi các tiêu chuẩn về tài chính phải được chuẩn hóa so với quốc tế.

Ngoài ra, theo bà Thảo, chính sách quản lý tiền tệ, quản trị rủi ro... áp dụng cho TTTC quốc tế cũng phải riêng biệt.

Bà Thảo cũng lưu ý mô hình TTTC khu vực ở Đà Nẵng và TTTC quốc tế ở TP.HCM khác nhau nên cơ chế cho TP.HCM sẽ phải khác hoàn toàn so với cơ chế tại Đà Nẵng.

Còn GS.TS Quách Mạnh Hào- Giảng viên ĐH Lincoln (Vương quốc Anh)- nhấn mạnh cần có một hệ thống pháp lý minh bạch và ổn định nhằm bảo vệ nhà đầu tư trong việc dịch chuyển dòng vốn tự do.

GS.TS Quách Mạnh Hào - Giảng viên Ngân hàng tài chính ĐH Lincoln (Vương quốc Anh). Ảnh: X.Đ

Ngoài ra, các vấn đề như thuế hay thủ tục giao dịch nên được ưu tiên. Tiếp theo là xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại từ công nghệ thông tin đến giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các sản phẩm tài chính. Đồng thời, đảm bảo các giao dịch tài chính diễn ra thuận tiện trong thời gian ngắn và chi phí thấp.

Cũng theo vị này, muốn trở thành một TTTC quốc tế và khu vực lớn, cần ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính, khuyến khích sự phát triển công nghệ tài chính và ứng dụng các phát kiến mới như blockchain hay AI.

Tuy nhiên, ông Hào cho rằng cần có chiến lược dài hạn trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực. Trước mắt là ứng dụng, sau đó là phát triển các công nghệ mới, bởi TTTC lớn mạnh tới đâu sẽ phụ thuộc và khả năng cạnh tranh công nghệ.

Cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng số

Nói về điều kiện xây dựng TTTC tại Việt Nam, TS Huỳnh Thế Du- Giảng viên ĐH Fulbright- bày tỏ lo lắng khi hạ tầng vật chất và hạ tầng số nước ta còn cách khá xa. Vì vậy, để thành công xây dựng TTTC thì hạ tầng giao thông, logistics, nền tảng số phải được tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn, tăng gấp nhiều lần so với mức độ hiện tại của TP.HCM.

Ngoài ra, độ mở về các dịch vụ tài chính như đồng tiền số, quản lý dòng vốn hay các vấn đề về môi trường sống, chất lượng nguồn nhân lực cao… cũng cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Cùng với đó, theo ông Du, cần xây dựng kế hoạch tập trung vào 3 yếu tố: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, thể chế bao gồm chính sách liên quan đến mở cửa tự do hóa các dịch vụ tài chính, tự do hóa các dòng vốn. Các chính sách về quản lý ngoại hối, quản lý dòng vốn, chính sách thuế… cũng cần vượt trội hơn để có thể so sánh với Hồng Kông, Singapore.

Ông Du đặt vấn đề: Các nước trên đưa ra những chính sách ưu đãi rất hấp dẫn, mức thuế thấp, liệu Việt Nam có thể cạnh tranh hay không?

Về hạ tầng, không chỉ là những hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng số mà còn phải tính tới các hạ tầng mềm, hạ tầng xã hội như chất lượng giáo dục, môi trường sống… Tương tự, nguồn nhân lực của trong ngành tài chính và các lĩnh vực liên quan cũng phải được cải thiện hơn.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một điều kiện tốt

Ngoài ra, theo GS.TS Quách Mạnh Hào, việc nâng hạng TTCK là một điều kiện để xây dựng TTTC quốc tế. Do đó, thị trường vốn và TTCK của Việt Nam phải hoạt động tốt.

"Nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ là bước đầu tiên để thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế. Từ đó, không chỉ thu hút vốn đầu tư, mà còn có các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hào nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới