Trùng tên hay vi phạm sở hữu trí tuệ?

Bà Lê Thị Hồng Phượng (người có 50% vốn trong Công ty TNHH May Tân Long Trường, đường Nguyễn Cư Trinh, quận 9, TP.HCM) cho biết đã khiếu nại Sở KH&ĐT vì cấp giấy phép cho một công ty nằm đối diện và trùng tên với công ty bà. Theo bà Phượng, từ khi công ty này (Công ty CP-DV-TM Tân Long Trường) trương bảng hiệu (tháng 2-2013), cùng chức năng kinh doanh như công ty bà thì các đơn hàng đặt gia công cho công ty bà giảm sút rõ rệt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề.

Luật sư của bà Phượng cho hay Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty CP-DV-TM Tân Long Trường là sai vì tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký. Sở cần phải nhanh chóng thu hồi giấy phép của Công ty CP-DV-TM Tân Long Trường.

Trùng tên hay vi phạm sở hữu trí tuệ? ảnh 1

Công ty May Tân Long Trường khiếu nại một công ty khác trùng tên gây thiệt hại cho công ty. Ảnh: PN

Bà Nguyễn Thị Đoan Thanh (Phó phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT TP.HCM) cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, tên trùng là tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Công ty CP-DV-TM Tân Long Trường không trùng và không gây nhầm lẫn với tên của Công ty TNHH May Tân Long Trường mà bà Phượng khiếu nại. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp không cấm các công ty có trụ sở nằm đối diện nhau trên cùng một tuyến đường…

Luật sư Nguyễn Thành Long (Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh) nhìn nhận theo Luật Doanh nghiệp và nghị định hướng dẫn, tên doanh nghiệp gồm “loại hình doanh nghiệp” và “tên riêng”. Trong phần “tên riêng” có thể có từ ngữ chỉ ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh. Với tên “Công ty TNHH May Tân Long Trường” thì “công ty TNHH” là loại hình doanh nghiệp, “May Tân Long Trường” là tên riêng. Chữ “May” có thể hiểu là ngành nghề của doanh nghiệp. Còn với tên “Công ty CP-DV-TM Tân Long Trường” thì “công ty cổ phần” là loại hình doanh nghiệp. Cả cụm từ “Dịch vụ Thương mại Tân Long Trường” là tên riêng, trong đó “dịch vụ thương mại” là ngành nghề.

Theo luật sư, xét theo Điều 15 của Nghị định 43 (năm 2010 về đăng ký doanh nghiệp) thì hai tên doanh nghiệp nói trên không trùng, cũng không gây nhầm lẫn với nhau. Chính vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn phải cấp phép thành lập và không thể xử lý về tên trùng, tên gây nhầm lẫn.

Có thể kiện về vi phạm sở hữu trí tuệ

Về Luật Doanh nghiệp thì thấy cơ quan đăng ký kinh doanh đúng khi họ vẫn phải cấp phép thành lập và không thể xử lý về tên trùng, tên gây nhầm lẫn giữa hai công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ tuân thủ Luật Doanh nghiệp mà còn phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ khi tự đặt tên doanh nghiệp. Nghị định 43 quy định “doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ”. Nếu công ty này cho rằng công ty kia có vi phạm về sở hữu trí tuệ đối với tên của mình thì có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu công ty kia thay đổi tên gọi cho phù hợp. Tuy nhiên, muốn gửi yêu cầu thì phải gửi cả “văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Để có “kết luận” nói trên, doanh nghiệp có thể kiện ra tòa về việc “tên doanh nghiệp” của công ty kia xâm phạm “tên thương mại” của mình, giải quyết theo Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định về sở hữu trí tuệ, hai công ty có chung cụm từ “Tân Long Trường”, có cùng lĩnh vực hoạt động thì có thể bị xem là trùng nhau và một bên phải ngưng sử dụng tên này. Sau khi có bản án, doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh ra văn bản thông báo cho công ty kia đổi tên.

Trên thực tế, đã có một số trường hợp đặt tên doanh nghiệp có vi phạm về tên thương mại và thời gian qua cũng được tòa án xét xử. Ví dụ, Công ty TNHH Secom Việt Nam (thành lập trước) chuyên tư vấn về thiết bị an toàn, thắng kiện Công ty TNHH Se Com (thành lập sau) hoạt động lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, mua bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy, camera quan sát, thiết bị báo động. Công ty TNHH Phúc Sinh thắng kiện Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh. Tòa án buộc bên thua phải bỏ chữ Phúc Sinh trong tên doanh nghiệp.

Luật sư NGUYỄN THÀNH LONG, Văn phòng Luật sư Phạm
và Liên danh

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm