Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Khúc ca xưa vang vọng đến bây giờ

Một vị tướng đi qua nhiều cuộc chiến tranh, cả thời chiến lẫn thời bình như ông, thì câu chuyện không phải là của ngày hôm nay, mà đó là những ký ức, vẫn còn nguyên vẹn, tươi rói như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Bởi ông còn lưu giữ trong mình quá nhiều những kỷ niệm, về đồng đội năm xưa, những con người vô danh đã bị cuốn trôi trong lớp bụi của thời gian.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Khúc ca xưa vang vọng đến bây giờ ảnh 1

Ông sinh ra ở một miền quê nghèo của Nghệ An nắng cháy, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, một cậu bé quê tinh nghịch thông minh. Quê hương của Nguyễn Mạnh Đẩu là những vùng cát pha nắng chói chang, và gió Lào hầm hập, những con người phải quằn mình trước khắc nghiệt của khí hậu, là những ngày theo cha đi ăn cơm tập thể của quân đội, và đầm mình thỏa thích trong dòng sông Lèn thơ mộng, có lần suýt chết đuối vì không biết bơi.

Đó là một tuổi thơ dữ dội với nhiều biến cố trong đời sống riêng của gia đình, khiến cậu bé Đẩu sớm trưởng thành, đĩnh đạc. Lần đầu tiên nhìn thấy máy bay Mỹ, khi đó Nguyễn Mạnh Đẩu tròn 16 tuổi, cậu nằng nặc xin thêm một tuổi và trốn cha đi bộ đội. Ngày lên đường nhập ngũ của Đẩu vì thế không có người đưa tiễn, cậu bé sống mũi cay cay, khi nhìn thấy vòng tay ấm áp của những người thân tiễn người đi chiến trận.

Lúc đó, cậu mới chạnh lòng. Nhưng ý đã quyết, Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành chiến sĩ giải phóng quân hoạt động trên những vùng chiến sự ác liệt ở Lào, Quảng Trị - Thừa Thiên.  Và trong những ngày cận kề với cái chết, ông đã viết nhật ký, viết với tâm thế của một người lính ra trận không xác định ngày về. Những dòng nhật ký được viết vội sau từng trận đánh, của một chàng trai trẻ muốn dành niềm tự hào cho cha, và trong những trang đầu tiên của cuốn nhật ký, ông viết: "Sau khi tôi hy sinh, hãy gửi lại cho cha để ông có quyền tự hào về con trai mình, đã sống và chiến đấu trong những ngày khói lửa".

Nhưng cuốn nhật ký đã bị lưu lạc và ông may mắn được trở về. Đó là khi ông tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đại đội đặc công của ông được giao nhiệm vụ đánh vào cao điểm 550, nhằm tiêu diệt Lữ đoàn 147 của địch. Ông đã bị thương nặng, đến nỗi rất nhiều người nghĩ rằng ông đã hy sinh. Một đồng đội đã cầm cuốn nhật ký, và gửi lại nơi hậu cứ. Nhưng sau nhiều cuộc càn quét, người lính ấy cũng đã bị thương và bỏ lại một chân ở chiến trường, và ông đã không thể giữ lại cuốn nhật ký.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Khúc ca xưa vang vọng đến bây giờ ảnh 2 
Cuốn hồi ký vừa xuất bản của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.

Hơn 40 năm đã đi qua, nhưng đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in từng dòng nhật ký đó, chuyện cách đây một, hai năm có thể quên, nhưng câu chuyện hào sảng của một chàng trai 20 tuổi đi vào chiến trận với tâm thế lãng mạn, lạc quan đó thì làm sao có thể quên. Đó là những tháng ngày chiến đấu vô cùng ác liệt mà những người lính như ông đứng mong manh giữa sự sống và cái chết.

Rất nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh trong những trận chiến ác liệt. Có nhiều chiến thắng, nhưng có rất nhiều mất mát, có những cái chết của đồng đội còn ám ảnh ông đến tận bây giờ. Khe Sanh, Đường 9, không có trận chiến nào khốc liệt hơn thế, và hình ảnh đồng đội, những chiến sĩ liên lạc vượt nguy hiểm khi gặp được đơn vị đã đói lả chỉ còn thoi thóp, những cái bắt tay của đại đội trưởng bộ binh trước giờ xung trận và mãi mãi không trở về…

Tất cả đều trở thành nỗi ám ảnh trong tâm khảm Nguyễn Mạnh Đẩu. Ông đã không thể đi tiếp cùng đồng đội trong cuộc  tiến về giải phóng miền Nam mà lùi lại hậu cứ, về công tác ở Tổng cục Chính trị năm 1972. Và sau này đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, Cục trưởng Cục Chính sách, Phó hiệu trưởng về Chính trị Trường Lục quân 1 và Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật.

Trở về thời bình, mang tâm thế của một chiến binh đã từng đi qua chiến trận, hiểu được nỗi mất mát, hy sinh, hiểu được cái giá của hòa bình đã trả bằng biết bao máu xương của đồng đội, dù bận trăm công ngàn việc ở những cương vị mới, nhưng Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn dành một góc riêng cho đồng đội năm xưa. Nhiều câu chuyện buồn thời hậu chiến đã được ông tìm hiểu, hóa giải, về những vấn đề chính sách.

Có những việc ông làm được, nhưng có những việc ông đã bó tay vì sự đã rồi, nhìn đồng đội âm thầm chịu thiệt thòi mà đau xót… Và ông lại bước tiếp trong một cuộc chiến khác. Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ông cùng đồng đội tham gia vào nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật - một thành tố đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội và tiềm lực Quốc phòng của đất nước.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã cầm bút từ sự thôi thúc, viết để tri ân những đồng đội không còn nữa. Cuốn hồi ký do chính tự tay ông chấp bút đã tái hiện một không gian lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng của dân tộc.

Ông tâm sự: "Hơn 60 tuổi đời, chẵn 45 năm quân ngũ, ôn lại những nẻo đường đã qua, hiện lên trong tâm trí tôi như những thước phim quay chậm. Những thước phim lung linh sắc màu thời gian, bao kỷ niệm, ký ức, những hình ảnh thân thuộc. Tương tư gõ vào kỷ niệm. Tôi bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình yêu dấu, nhớ lại cánh đồng lúa chiêm mùa một nắng hai sương, với hạt gạo củ khoai cha mẹ tảo tần nuôi tôi từng ngày khôn lớn, nhớ lại người thân bè bạn một thời hồn nhiên trìu mến…".

Nguyễn Mạnh Đẩu đã viết bằng cảm xúc thật của một người đi qua cuộc chiến, nếm trải những mất mát đau thương của đồng đội, vì thế cuốn hồi ký thực sự làm lay động lòng người. Đó không chỉ là những hào quang của chiến thắng, mà có cả sự mất mát, cả những đau thương. Ông viết bằng cả sự chiêm nghiệm về cuộc đời.

Những nẻo đường thời gian của ông không viết nhiều về mình mà đầy ắp những sự kiện về đồng đội, bởi với ông, sự sống còn hôm nay của Nguyễn Mạnh Đẩu có một phần xương máu của đồng đội ông năm xưa. Kể cả những hồi ức trong thời bình, ông cũng khiêm nhường nép mình trong dòng chảy chung của dân tộc. Chuyện đời, chuyện thế sự, lúc buồn lúc vui, âu cũng là lẽ thường tình.

Có một nhà văn Pháp đã nói rằng, viết hồi ký là khi đã đến lúc thấy những khát vọng, những hoài vọng về cuộc đời đã hết. Thế nên quá khứ với Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu không phải là hào quang của chiến thắng, của những đối đãi trọng vọng khi còn chức tước. Quá khứ của ông được viết nên bằng máu và nước mắt của đồng đội, là nỗi day dứt còn đó về những mất mát thời hậu chiến, là những dự định còn dang dở…

Giống như trên một chuyến tàu, đã đến lúc dừng ga, và bước xuống, trong tư thế của một kẻ sĩ luôn biết người biết ta, thấu hiểu thời cuộc. "Trên tàu/ Người giàu ngồi chễm chệ toa sang/ kẻ nghèo hèn ngồi bệt toa đen/ Vốn thế/ Một diện tích nhỏ nhoi rành rẽ/ Phân biệt Anh, Tôi/ Xuống tàu/ tất cả như nhau/ còn ai hay số ghế chỗ ngồi/ quên lãng/ Đoàn tàu đầy ắp lữ hành… 

Nhưng đằng sau những chiến công của một vị tướng đã đi qua thời chiến và thời bình ấy, vẫn thấy bóng dáng của một tâm hồn thi sĩ, nhiều chiêm nghiệm trước cuộc đời. Những câu thơ cất lên từ trong tâm hồn của những hoài bão, khát vọng, từ những suy tư sâu sắc về thời cuộc, từ một tâm hồn đa cảm, tinh tế. Và trong một lần trở lại chiến trường xưa ông viết:  Những cánh rừng cao su bạt ngàn/ gợi lại cho ta/ một thời trận mạc/ Người lính kiêu hùng/ có trái tim biết hát/ Khúc ca xưa/ vang vọng đến bây giờ...

Vâng, những khúc ca của người lính trong trận mạc sẽ còn mãi trong hành trình dài của đất nước, bởi chính họ đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc hôm nay.

 
Theo Khánh Linh (ANTGCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm