Trung ương chỉ rõ nguyên nhân khiến việc quản lý và sử dụng đất còn hạn chế, yếu kém

(PLO)-  Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, chồng chéo là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý và sử dụng đất còn hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Theo đó, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI, BCH Trung ương đánh giá: Chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.

Ngoài ra, thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản và chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện…

Tuy nhiên, Nghị quyết 18 cũng chỉ rõ, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa chậm, chưa đầy đủ; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro;…

Theo BCH Trung ương, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm.

Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Một số nhiệm vụ đã được đề cập trong Nghị quyết 19 nhưng chưa được tổ chức thực hiện tốt. Công tác thi hành chính sách, pháp luật về đất đai chưa nghiêm.

Việc phân cấp, phân quyền quản lý, sử dụng thì chưa hợp lý, chưa đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát; chưa rõ trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.

Chưa xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong quản lý, sử dụng đất và những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, dứt điểm và chưa đúng pháp luật; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Ngoài ra, việc hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về đất đai chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; cơ chế và nguồn lực đầu tư cho bộ máy quản lý còn nhiều bất cập cũng dẫn đến việc quản lý và sử dụng đất còn hạn chế.

Để khắc phục những điều này, BCH Trung ương đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như đến năm 2023, phải hoàn hoàn thiện sửa đổi Luật Đất đai; hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm