Bộ LĐ-TB&XH vừa có hướng dẫn thực hiện quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
Theo bộ, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bộ cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài và nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo (đào tạo trực tuyến).
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến, trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng.
Theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, việc tổ chức lớp học trực tuyến được thực hiện theo lớp học truyền thống (lớp học trực tiếp tại trường) và được duy trì bằng các phần mềm, ứng dụng đào tạo trực tuyến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng hoặc các phần mềm, ứng dụng khác (Zalo, Viber, Facebook...) do người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định.
Nhà giáo giảng dạy môn học trực tuyến thực hiện việc quản lý lớp theo quy chế đào tạo trực tuyến của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm sự tham gia học tập đầy đủ của học sinh, sinh viên; thực hiện lưu trữ hồ sơ, tài liệu để làm minh chứng và ghi chép hồ sơ, sổ sách trong đào tạo.
Về thời gian giảng dạy, bộ này khuyến cáo một ngày học trực tuyến không quá 5 giờ (45 phút/giờ học lý thuyết). Trong đó mỗi giờ học có tối thiểu 20-30 phút giảng dạy trực tuyến trực tiếp (nếu có thể), thời gian còn lại để giảng dạy trực tuyến gián tiếp, trao đổi, giải đáp thắc mắc, giao bài tập cho học viên. Trường hợp việc truy cập Internet của học viên không ổn định thì nhà giáo sử dụng toàn thời gian nêu trên vào việc giảng dạy trực tuyến gián tiếp.
“Thời gian giảng dạy trực tuyến (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp) được tính vào định mức giờ giảng của nhà giáo. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ thời gian giảng dạy, quy mô lớp học để tính giờ chuẩn cho nhà giáo” - văn bản bộ nêu rõ.
Thời gian học tập và các hoạt động trong một ngày học trực tuyến có thể thực hiện linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng trường do người đứng đầu quyết định.
Thầy trò lớp điện lạnh của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng trong một giờ học trên máy tính. Ảnh: PHẠM ANH
Về việc kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc kiểm tra thường xuyên trực tuyến được thực hiện bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc bằng các hình thức kiểm tra, đánh giá khác do nhà giáo giảng dạy tự quyết định.
Kiểm tra định kỳ trực tuyến được thực hiện theo kế hoạch về kiểm tra định kỳ trong chương trình mô đun, môn học, thực hiện bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc kiểm tra viết, chấm điểm tiểu luận do nhà giáo giảng dạy trực tiếp quyết định.
Bộ cũng hướng dẫn, việc kiểm tra, thi kết thúc mô đun, môn học trực tuyến được thực hiện trực tiếp, tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hình thức trắc nghiệm, viết, vấn đáp, bài tập lớn, tiểu luận hoặc kết hợp giữa các hình thức trên hoặc được thực hiện gián tiếp theo hình thức trực tuyến. Việc kiểm tra, thi kết thúc mô đun, môn học trực tuyến gián tiếp do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định về hình thức, cách thức và quy trình tổ chức thi, kiểm tra nhưng phải bảo đảm yêu cầu theo quy định.
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu việc kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch, đánh giá được đúng năng lực của học sinh, sinh viên và tránh được các hiện tượng gian lận, nhất là đối với việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến gián tiếp.
Theo nhấn mạnh của bộ, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc thi, kiểm tra kết thúc mô đun, môn học theo hình thức trực tuyến (trực tiếp hoặc gián tiếp) được công nhận giá trị tương đương như đối với các hình thức kiểm tra, đánh giá truyền thống và được ghi vào bảng điểm trong hồ sơ học tập và công nhận trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, được dùng làm cơ sở cho việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề và công nhận để tiếp tục học liên thông với các trình độ đào tạo khác.