Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt Trưởng nhóm Bông hồng đen Đinh Thị Út theo Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, vi phạm được xác định là thực hiện xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó. Mức phạt đối với bà Út là 7,5 triệu đồng.
Nhóm Bông hồng đen làm việc với cơ quan chức năng Hải Phòng để làm rõ các sai sót trong việc tổ chức tư vấn, lấy máu xét nghiệm HIV trên địa bàn quận Đồ Sơn. |
Quyết định xử phạt được ban hành trên cơ sở kết quả làm việc và kiểm tra của Sở Y tế Hải Phòng với nhóm Bông hồng đen và một số học sinh cư trú tại quận Đồ Sơn. Đây là những người đến tham gia các buổi tư vấn phòng chống HIV của nhóm Bông hồng đen, rồi được lấy dấu vân tay, thông tin cá nhân, được nghe tư vấn và nhận tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/buổi.
Trong số này, có học sinh đã được lấy máu xét nghiệm HIV, kết quả âm tính. Tại thời điểm lấy máu xét nghiệm, có cháu chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp cháu học sinh tự nhận đã chủ động khai sai thông tin cá nhân về tuổi, địa chỉ.
Liên quan đến sự việc này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhóm Bông hồng đen triển khai cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng là phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Quá trình xét nghiệm HIV tại cộng đồng cũng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm sang người được xét nghiệm.
Thông tin về độ tuổi người được xét nghiệm có thể không đảm bảo tính chính xác do người tham gia xét nghiệm tự thông báo về tuổi và không xuất trình các giấy tờ cá nhân trong quá trình thực hiện.
Về kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV, nhóm Bông hồng đen thực hiện theo 2 cách là sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh lấy máu đầu ngón tay và sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng.
Đây là hai kỹ thuật xét nghiệm đã được WHO khuyến nghị làm xét nghiệm tại cộng đồng bao gồm xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn xét nghiệm tại cộng đồng và Hướng dẫn các kỹ thuật xét nghiệm HIV, trong đó cho phép sử dụng hai kỹ thuật này để thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng, do quá trình thực hiện đơn giản, đảm bảo không gây lây nhiễm.
Bộ Y tế nhận định các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc tìm ca nhiễm mới HIV, giúp kiểm soát dịch HIV tại Việt Nam. Theo báo cáo của các địa phương từ năm 2019 đến nay, các nhóm cộng đồng đã đóng góp xét nghiệm HIV và phát hiện khoảng 30-50% tổng số ca phát hiện mới hằng năm. Ở các tỉnh trọng điểm về HIV, mức đóng góp của các tổ chức này là cao hơn, lên tới 50-70%.
Ngoài ra, các tổ chức cộng đồng cũng trực tiếp cung cấp các dịch vụ phòng, chống khác can thiệp giảm hại (cấp phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn) và giới thiệu người đến cơ sở y tế để nhận dịch vụ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP) hoặc điều trị ARV nếu người đó bị nhiễm HIV.
Vì vậy, Cục Phòng chống HIV/AIDS đề nghị tăng cường truyền thông, giới thiệu các dịch vụ để người dân hiểu sự cần thiết và ý nghĩa của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được cung cấp tại cộng đồng.