Thế nhưng bây giờ, chỉ sau một vài bộ phim, nơi đây đang rêu phong cỏ rác…
Tê tái buồn với…Cổ Loa
Theo Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), trong Đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, mới đưa ra để nhận ý kiến góp ý triển khai; đề án muốn xác định một lộ trình cụ thể đưa nền điện ảnh Việt tiến thêm những bước dài, có năng lực sản xuất 40-45 phim truyện/năm, có ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp; năm 2030, Điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có uy tín ở châu Á, sản xuất 55 đến 60 phim truyện/năm, đạt ít nhất 45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp… Giai đoạn từ năm 2014 đến 2016 sẽ ưu tiên xây dựng các rạp mới tại các tỉnh, thành chưa có rạp. Giai đoạn hai từ 2016 đến 2020 sẽ xây dựng rạp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trên cả nước. Các rạp chiếu phim sẽ đáp ứng tiêu chuẩn số. Ngoài ra sẽ đầu tư xây mới trường quay tại TPHCM, Đà Nẵng; xây dựng tại Hà Nội và TPHCM mỗi thành phố một trung tâm chiếu phim hiện đại…
Ở phía Bắc, trường quay Cổ Loa, khi xây dựng đã được đầu tư tới hơn 100 tỷ đồng. Trường quay này đã phục vụ cho một số bộ phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô v.v… song những bối cảnh dựng lên phần nhiều là được sản xuất tạm bợ bằng xốp, nên chỉ một thời gian sau, vì nắng mưa, thiếu kinh phí bảo trì, nên đã nhanh chóng xuống cấp thảm hại, chỗ nào cũng là những đền đài, lầu gác… nhếch nhác, hoang tàn. Và, cái gọi là trường quay, chỉ sau một giai đoạn sử dụng rất ngắn và chưa thực sự đem lại hiệu quả nào đáng kể trên phim ảnh, đã rơi vào tình trạng cỏ mọc rêu phong.
Đúng là Việt Nam đang vô cùng thiếu phim trường đạt chuẩn. Mới chỉ có một số ít phim trường, thực chất chỉ là một số bối cảnh có quy mô nhỏ và rất hạn chế khi sử dụng. Đa số các phim vẫn phải sử dụng bối cảnh tự nhiên hoặc bối cảnh đi mượn, đi thuê nhà dân là chính. Những phim muốn dựng lại các bối cảnh khó, đặc biệt là thời kỳ cổ đại, niên đại càng xa càng khó phục dựng thì buộc phải… mang ra nước ngoài. Thực trạng ấy vừa dễ dẫn tới kết quả phim dựng xong sẽ thiếu bản sắc văn hóa Việt, vừa làm phát sinh kinh phí lớn.
Phim trường tư nhân có khả thi?
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nghe nói đến việc xây dựng các trường quay lớn thì rất vui. Nhưng ông cũng băn khoăn cho rằng, đây thực sự là một chủ trương lớn nên rât cần phải nghiên cứu kỹ dự án mới có thể khả thi.
Đạo diễn Cường Ngô cho biết các phim anh đã quay từ Bắc chí Nam đoàn làm phim đều rất cực khổ khi chạy bối cảnh nên nếu như có trường quay thì quá vui. Hiện tại ở phía Nam toàn phải quay cảnh thật; một số cảnh ngoài đường thì phải chặn xe cộ lại rất cực, số ít studio thì chẳng khác gì nhà kho. Nếu như có thể dựng được các cảnh biển, núi, sông, đường phố… như các phim trường của Canada, Mỹ… thì quá tốt.
Đạo diễn Ngô Quang Hải khẳng định: “Đầu tư cho cơ sở vật chất điện ảnh là đúng hướng, bởi điện ảnh là phương tiện giao lưu văn hóa với thế giới cực kỳ hữu hiệu; mà bất kỳ một nền văn hóa nào, muốn giao lưu được với thế giới, thì rất cần phải đầu tư tử tế cho phương tiện giao lưu. Tôi rất quan tâm tới khía cạnh có thể xã hội hóa để cả tư nhân và nhà nước cùng tham gia chung tay xây dựng các dự án này. Nhưng dù sao đây cũng sẽ là những món đầu tư rất lớn nên cần phải chi tiết hóa từng phần của dự án, cả nội dung xây dựng lẫn dự toán chi tiêu và kinh doanh trường quay. Chừng nào những người viết đề án có thể đặt ra được hết các tình huống và trả lời được hết các câu hỏi phản biện, chừng đó mới hấp dẫn các nhà đầu tư tương lai và dự án mới khả thi”.
Đạo diễn Đinh Đức Liêm cho rằng: “Có xây dựng thêm thì quá tốt nhưng nói thật là chúng tôi chỉ sợ bày ra việc gì cũng đầu voi đuôi chuột, không biết đầu tư, không biết quản lý. Phim trường ở các nước được đầu tư với chất liệu bền vững và thiết kế tốt, thích hợp cho nhiều bối cảnh xã hội, khi hoàn thiện được đưa vào sản xuất khai thác tốt cả trong phim lẫn phục vụ du lịch nên rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam, sản xuất phim truyền hình thì người tiêu thụ là nhà đài, đã được chốt giá từ trước và giá khá thấp, sản xuất phim chiếu rạp thì đạo diễn phải đặt nhà đặt cửa vào ngân hàng vay tiền làm phim, không có người xem là đạo diễn mất nhà. Thế nên việc sử dụng trường quay, nếu giá thuê không hợp lý thì thà thuê ngoài nhà dân hoặc tận dụng bối cảnh tự nhiên còn hơn. Tôi không tin rằng các cá nhân hào hứng tham gia đầu tư cho dự án xây dựng phim trường. Đầu tư một món hàng có giá trị cao như thế, ai là cá nhân đủ lực để tham gia? Và xây dựng xong, ai sẽ là người tiêu thụ?”.