Truyền gần 20 lít máu để cứu sống bệnh nhân người Bỉ bị sốt rét ác tính

(PLO)- Một giáo sư nông nghiệp người Bỉ nghi nhiễm virus sốt rét châu Phi, trở về Việt Nam chuyển bệnh nguy kịch, vừa được Bệnh viện Bạch Mai cứu thoát cửa tử.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh nhân quốc tịch Bỉ, 64 tuổi, ngày 13-10 đã đủ điều kiện để Bệnh viện Bạch Mai cho chuyển viện, dưỡng sức nâng cao thể trạng, chuẩn bị trở về quê hương, sau 4 tuần bên lưỡi hái thần chết, vì bị sốt rét ác tính trên nhiều bệnh lý nền như suy tim do nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Bệnh nhân này là giáo sư nông nghiệp, thời gian gần đây đi qua nhiều nước trên thế giới, cả châu Á, châu Phi. Gần đây nhất, ngày 17-9, sau chuyến công tác tại Bờ Biển Ngà - một quốc gia châu Phi - để thực hiện chuỗi dự án về hạt điều, ông về Việt Nam, thì xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Khám tại một bệnh viện ở Hà Nội phát hiện số lượng tiểu cầu rất thấp, rối loạn nhịp thất thành từng cơn.

Do tình trạng bệnh phức tạp, bệnh nhân lại có nhiều bệnh nền nên được chuyển tới BV Bạch Mai.

Bệnh nhân được can thiệp ECMO và lọc máu liên tục. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được can thiệp ECMO và lọc máu liên tục. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Bá Cường - Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai chia sẻ: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, tiểu cầu tụt xuống cực thấp, kháng thể kháng virus Dengue dương tính yếu, suy tim rất nặng.

Bệnh nhân được điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt nhưng sau 2 ngày tình trạng không cải thiện, các bác sĩ quyết định phải sử dụng kỹ thuật cao nhất trong hồi sức tích cực là kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO).

Hội chẩn toàn viện kết luận bệnh nhân bị sốt rét ác tính biến chứng suy đa tạng, chỉ định thuốc chống sốt rét, truyền các chế phẩm máu và duy trì ECMO.

“Việc duy trì ECMO trong thời gian dài đối với bệnh nhân này là rất khó khăn. Trong quá trình theo dõi do tiểu cầu thấp không thể sử dụng được chống đông. Nguy cơ tắc quả tim phổi nhân tạo và nguy cơ nhồi máu tái diễn, nếu tiếp tục dùng chống đông thì nguy cơ chảy máu ồ ạt rất cao. Bệnh nhân lại thuộc nhóm máu hiếm nên việc huy động số lượng lớn máu là bất khả thi” - Bác sĩ Cường cho biết.

Tuy nhiên với nỗ lực cao nhất, sau 8 ngày chạy máy ECMO, cùng với đó là truyền khoảng 20 lít máu thuộc nhóm Rh-, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần. Ngày 4-10, bệnh nhân được cai ECMO, ngày 9-10 không còn lệ thuộc máy thở.

Sau 4 tuần được điều trị, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch một cách ngoạn mục và các chỉ số dần hồi phục...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm