Truyền máu của… chính mình

Kỹ thuật này được gọi là truyền máu tự thân nhằm đáp ứng cho những người mang các dòng máu hiếm hoặc muốn đảm bảo an toàn cao trong khi truyền máu.

Mới đây, bà NTTM (32 tuổi, ở TP.HCM) gửi câu hỏi đến báo Pháp Luật TP.HCM có nội dung sau: Bà có máu thuộc nhóm máu hiếm Rh(-), khi bệnh tật hay bị tai nạn việc tìm đúng loại máu để truyền cho bà là vấn đề khá nan giải. “Nếu chẳng may tôi bị tai nạn, trong quá trình phẫu thuật không có máu để truyền thì nguy hiểm quá. Tôi muốn hỏi có cơ sở y tế nào bảo quản máu của tôi để truyền lại cho chính tôi trong trường hợp cần thiết không?” - bà M. thắc mắc.

Tương tự, ông TVH (34 tuổi, ở Bình Dương) bị sỏi túi mật lâu năm. Trong lần khám gần đây, bác sĩ chỉ định sẽ mổ trong tháng 11 và ca mổ cần truyền hai đơn vị máu. “Mọi việc tôi chuẩn bị sẵn nhưng điều khiến tôi ngại nhất là việc truyền máu. Tôi nghe nói tính tình sẽ thay đổi khi nhận máu người khác. Tôi chỉ yên tâm khi được truyền chính máu của mình” - ông H. giãi bày.

Nhân viên BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM đang kiểm tra nguồn máu bằng thiết bị hiện đại. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM, những người thuộc nhóm máu hiếm hoặc bệnh nhân sắp mổ muốn sử dụng chính máu của mình cho yên tâm thì nên áp dụng kỹ thuật đông lạnh hồng cầu để truyền máu tự thân. “Thông thường máu chỉ được bảo quản từ 24 đến 42 ngày tùy thuộc chất bảo quản trong túi máu. Điều này gây khó khăn cho những bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm trong trường hợp phẫu thuật cấp cứu cần được truyền máu ngay vì lượng máu này hầu như không có sẵn” - BS Dũng nói.

Những người máu hiếm, những bệnh nhân biết được thời gian lên bàn mổ muốn được truyền chính máu của mình thì sẽ được BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM tiến hành lấy máu. Sau khi xét nghiệm kỹ càng, máu sẽ được bảo quản lạnh. Theo BS Dũng, hồng cầu đông lạnh được bảo quản trong thiết bị hiện đại có thời hạn 10 năm.

Về chi phí cho việc bảo quản máu, BS Dũng cho biết: “Bệnh viện chỉ mới tính chi phí túi đông lạnh gần 6 triệu đồng. Chi phí lưu trữ, bảo quản máu chưa tính. Sắp tới bệnh viện sẽ tính toán lại các chi phí nói trên để đáp ứng yêu cầu bệnh nhân”.

BS Dũng cho biết thêm, những người có chỉ định phẫu thuật liên quan đến bệnh tim, chỉnh hình… thì không nên truyền máu đông lạnh, do vậy không cần bảo quản lạnh máu của chính mình. “Những trường hợp trên nên sử dụng máu tươi (được lấy trước 14 ngày) để đáp ứng khả năng vận chuyển của hồng cầu” - BS Dũng lưu ý.

TRẦN NGỌC

Truyền máu người khác không làm thay đổi tính tình

Hồng cầu người khác truyền vô cơ thể người nào đó sẽ chết trong khoảng 100 ngày. Do vậy truyền máu người khác không làm thay đổi tính tình người được truyền máu.

BS PHÙ CHÍ DŨNG, Giám đốc BV Truyền máu-
Huyết học TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm