Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Đông 2 đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.
. Xin ông cho biết đặc thù lưới điện do Truyền tải điện miền Đông 2 quản lý vận hành?
+ Ông Nguyễn Văn Lịch: Truyền tải điện miền Đông 2 là đơn vị trực thuộc Công ty Truyền tải điện 4 có chức năng quản lý vận hành lưới điện truyền tải cấp điện áp 220KV, 500KV thuộc trải dài trên 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ là tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và 1 phần tỉnh Đắk Nông.
Khối lượng quản lý gồm đường dây tổng chiều dài là 1.430km, trong đó đường dây 500kV là 541,873km và đường dây 220kV là 888,536km và 8,0226km đường dây cáp ngầm 220KV; Có 12 trạm biến áp, trong đó gồm 3 trạm biến áp 500KV và 9 trạm 220KV. Lưới điện trải dài trên các bàn địa phương miền Đông Nam bộ, đi qua khu vực có mật độ dân cư đông đúc, khu công nghiệp, có nơi xa khu dân cư, rừng phòng hộ, cây công nhiệp (cây cao su, điều), sông ngòi, ruộng lúa, hoa màu.
. Là đơn vị đầu tiên hoàn thành 100% kế hoạch bay UAV kiểm tra lưới điện, xin ông chia sẻ đâu là những bí quyết? Qua thực tiễn áp dụng UAV kiểm tra, ông đánh giá những hiệu quả mang lại như thế nào?
+ Trước hết, chúng tôi nhận được sự quan tâm và chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Ban Giám đốc PTC4 và sự hỗ trợ của các phòng của công ty. Từ chỉ đạo của công ty, chúng tôi đã triển khai thành lập tổ bay UAV bao gồm các cán bộ nhân viên đã được huấn luyện và đào tạo về UAV, triển khai họp phổ biến các chỉ đạo của công ty và nhận định nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện có thể sẽ gặp để chuẩn bị trước.
Với tinh thần đoàn kết và thống nhất trong tổ bay, các tổ thực hiện các ngày trong tuần kể cả thứ 7 và Chủ nhật, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nhằm kịp tiến độ kế hoạch đề ra.
Việc sử dụng UAV để kiểm tra lưới điện giúp tiếp cận nhanh các vị trí cột, các thiết bị trên lưới điện mà người công nhân khó tiếp cận trực tiếp hoặc mất nhiều thời gian để tiếp cận nhất là đối với các cột ở địa hình đồi núi, thung lũng, các cột vượt cao, từ đó, rút ngắn thời gian thực hiện công việc.
Với những lợi ích khi sử dụng UAV mang lại, giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra lưới điện do người công nhân không phải di chuyển đến vị trí cột nữa và không phải đi bộ dọc hành lang để kiểm tra. Thay vào đó là sử dụng UAV bay với vận tốc cao để di chuyển. Do đó, khi sử dụng UAV thì thời gian kiểm tra 1 vị trí cột và hành lang thì tiết kiệm khoảng 20-30% so với phương pháp kiểm tra trước kia.
. Những khó khăn trong việc ứng dụng UAV kiểm tra đường dây và đơn vị đã khắc phục khó khăn đó như thế nào để hoàn thành sớm kế hoạch bay, thưa ông?
+ Công nghệ, ứng dụng mới nên công nhân chưa thể làm chủ công nghệ và cũng gặp nhiều khó khăn do UAV phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng. Giá trị của UAV rất cao, yêu cầu người điểu khiển phải thật cẩn thận làm công nhân cảm thấy thiếu tự tin khi được giao nhiệm vụ với UAV.
Tuy nhiên với tinh thần nhiệt huyết, các cá nhân và tập thể đã luôn học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, biến nhiệm vụ thành niềm đam mê công nghệ và cố gắng sắp xếp công việc, thời gian hợp lý, hoàn thành sớm kế hoạch bay. Truyền tải điện miền Đông 2 đã hoàn tất thiết lập đường bay tự động bằng UAV từ 24-5-2023. Vừa qua, các đơn vị truyền tải trong PTC4 cũng đã cử cán bộ nhân viên cùng tham gia với tổ bay của chúng tôi để học hỏi.
PTC4 giao Truyền tải điện miền Đông 2 hỗ trợ nhân sự và thiết bị bay để cùng thực hiện thiết lập đường bay tự động với các đơn vị trong thời gian đầu.
. Cùng với việc ứng dụng UAV trong quản lý vận hành, đơn vị đã sử dụng UAV để đốt diều? Việc này được áp dụng từ bao giờ và hiệu quả mang lại ra sao?
+ Hiện nay đơn vị đã áp dụng UAV Matric 300 để đốt diều và vật bay vướn trên đường dây khi mang điện (Sử dụng sáng kiến chế tạo bộ phun xăng sử dụng nguồn nhiệt điều khiển từ xa lắp trên UAV Matric 300 đã được phê duyệt). Chúng tôi áp dụng từ năm 2021 đến nay, hiệu quả khi áp dụng là để tháo diều vướn vào đường dây nhằm ngăn ngừa sự cố đường dây nhưng không cần cắt điện đường dây.
Xin cảm ơn ông!