Truyền thông chính sách: Phải xây được niềm tin ở dân

(PLO)-  Hiện nguồn tài chính, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên của báo, đài; 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Ngoài điểm cầu tại trụ sở Chính phủ, hội nghị kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Báo chí phải lan tỏa cái tốt...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không biến dòng phụ thành dòng chính.

“Dòng chính của chúng ta đang là tốt, bởi vậy phải lan tỏa cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, niềm tin vào chế độ” - ông Hùng nói và cho rằng niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân, tạo được niềm tin nơi người dân. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân, tạo được niềm tin nơi người dân. Ảnh: VGP

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, báo chí cũng phải phản ánh và phê bình cái xấu trong xã hội. Tuy nhiên, tỉ lệ tin, bài loại này dưới 10% thì không làm xói mòn niềm tin nhưng đủ sức cảnh báo, đấu tranh với cái xấu. Tỉ lệ này trên 30%, cái xấu sẽ được cảm nhận là cái chính trong xã hội.

Ngoài ra, báo chí không chỉ đưa tin mà còn cần các bài phân tích, đề xuất các giải pháp. Đây sẽ là đóng góp mới của báo chí.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá tỉ lệ các bài về tuyên truyền chính sách chưa cao, tin tức về giải trí hiện là cao nhất và “còn nhiều truyền thông mà chúng ta chưa làm”. “Báo chí cũng phải nhận lỗi việc này” - Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, báo chí là phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Nói cách khác, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng “báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi”. Hiện nay, các báo, đài chưa tự chủ tài chính được chính quyền các cấp bố trí ngân sách nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách.

Nếu gộp cả báo, đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên của báo, đài; 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ. “Cái dạ dày của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới. “80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông, báo chí của chúng ta chỉ còn 40%” - ông Hùng nói thêm và nhận định nguồn thu đang bị suy giảm mạnh. Báo chí đang khó khăn, vì thế cần hơn nữa đặt hàng từ Nhà nước cho báo chí.

Bộ, ngành ngại cung cấp thông tin thì khó làm truyền thông

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

“Có khi ý tưởng tốt, mang lại hiệu quả cao nhưng truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được” - Thủ tướng nêu rõ tinh thần là phải làm được, nói được thì mới tốt, muốn vậy phải thông qua truyền thông.

Thủ tướng cũng lưu ý một trong những mục tiêu của truyền thông phải là xây dựng được niềm tin của người dân. Muốn có niềm tin thì phải nói đi đôi với làm. “Làm truyền thông giỏi phải dựa trên khoa học, có tính nghệ thuật, linh hoạt, sáng tạo, chủ động” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hiện công tác truyền thông chính sách còn bất cập. Trong đó, nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này chưa tương xứng với nhiệm vụ; chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho truyền thông chưa được chuẩn bị tốt, đầy đủ, kịp thời…

Thủ tướng nhấn mạnh truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân.

Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách là tạo ra nhận thức, từ nhận thức đi đến hành động, hành động thì phải nỗ lực, quyết liệt. Cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách.

Đặc biệt, không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông. “Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông” - Thủ tướng nói.

20.000 người được cấp thẻ nhà báo

Lực lượng báo chí cách mạng của nước ta qua 97 năm hình thành và phát triển bao gồm:

- Sáu cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia.

- 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, TP trực thuộc.

- Số lượng lao động trực tiếp làm báo trên toàn quốc hiện nay là hơn 60.000 người, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo.

- Cả nước hiện có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn với 13.853 nhân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm