TS Lưu Bình Nhưỡng đề nghị bỏ các chốt liên tỉnh, đánh giá lại việc cách ly

Ngày 18-10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới”.

Lúc đầu điều hành còn lúng túng

Khái quát về kết quả chống dịch thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá chúng ta “cơ bản khống chế được dịch”, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chúng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài tại nhiều địa phương và gây khó khăn trong dự báo.

                    Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP

Ông Tuyên thừa nhận lúc đầu công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động.  Công tác chỉ đạo một số biện pháp cụ thể còn nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh. Các quy định chưa bao quát hết được các tình huống để ứng phó với dịch bệnh vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện.

“Tôi nhận thấy khâu tổ chức vẫn yếu”- ông Tuyên nói.

Theo ông, việc tổ chức thực hiện ở từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn nhưng chưa tính đến hết nhu cầu của ngươi dân và khả năng đáp ứng tại chỗ. Một số nơi thực hiện còn lúng túng, chưa đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Thứ trưởng Y tế cũng đánh giá hệ thống y tế còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là y tế cơ sở y, y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng dịch diễn biến nhanh với chủng Delta. Người dân rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi dịch bùng phát rộng dẫn đến tình trạng quá tải, tăng nguy cơ tử vong…

Ông Tuyên sau đó cũng đưa ra dự báo về sự xuất hiện của biến chủng mới và nhấn mạnh dịch rất khó lường, số ca nhiễm có thể tăng nhanh…

“Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan niệm ứng phó từ Zero COVID sang chung sống an toàn. Việt Nam cũng trong xu hướng đó”- ông Tuyên nói và cho rằng khi độ phủ vaccine của Việt Nam đạt mức độ nhất định, việc chuyển hướng sang thích ứng, an toàn với dịch phải đồng thời với việc triển khai các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo sinh hoạt của người dân phải song song với kiểm soát dịch hiệu quả.

"Thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội”- ông Tuyên nhận định.

Thứ trưởng Y tế cũng lưu ý Nghị quyết 128 cho phép địa phương linh hoạt áp dụng biện pháp cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa và cản trở người dân. Nếu áp dụng biện pháp chống dịch cao hơn biện pháp quy định trong Nghị quyết 128 phải báo cáo Thủ tướng, Bộ Y tế.

Dứt khoát phải giải quyết bất cập trong lưu thông hàng hoá

Tại cuộc toạ đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ  thừa nhận “quá trình lưu thông hàng hoá không tránh khỏi một số tồn tại, bất cập”. Đánh giá Nghị quyết 128 là quyết sách “cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay”, ông Thọ cho rằng Nghị quyết này sẽ không phải chỉ khắc phục riêng vấn đề lưu thông hàng hoá.

“Một loạt chủ trương, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 128 là rất phù hợp”- ông Thọ nói.

                Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng Thọ, trong lĩnh vực GTVT, thời gian qua,  từ Chính phủ, Thủ tướng đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hoá, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập.

“Dứt khoát lần này chúng ta phải giải quyết bất cập này”- ông Thọ khẳng định và cho rằng phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn.

“Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng một chiếc xe trên đường năm phút có thể kéo dài đến một tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí”- ông Thọ nói.

“Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này khi phân tích đánh giá và đưa ra các giải pháp. Ví dụ, tại các chốt kiểm dịch, chúng ta phải phân luồng các đối tượng, ví dụ xe container một vị trí, xe khách một vị trí… không để dừng đỗ trên đường gây ách tắc nhưng vẫn kiểm soát dịch tốt”- Thứ trưởng GTVT dẫn chứng.

Ông Thọ cũng lưu lý phải thống nhất, ứng dụng công nghệ phải qua mã QR để khai báo y tế. “Có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn”- ông Thọ dẫn chứng.

Hay ngành y tế đã quy định giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ nhưng có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24-48 giờ. “Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có những bức xúc”- ông nói tiếp.

Theo Thứ trưởng Thọ, chúng ta chuyển trạng thái từ đỉnh dịch đang xuống dần, phải thích ứng dần và gắn liền với giải pháp, khắc phục những tồn tại, góp phần vào việc phục hồi kinh tế nhanh nhưng vẫn chống dịch tốt.

“Nghị quyết 128 đưa ra rất kịp thời, rất đúng và trúng, rõ ràng về quan điểm chỉ đạo để chúng ta quán triệt, thực hiện”- ông Thọ khẳng định.

“Chúng ta đã chịu đựng một cú sốc lớn nhưng đã không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội, vì nếu chúng ta để mạch máu giao thông đứt gãy tức là cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết. Chúng ta rất may không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn, đây là vấn đề rất tốt đối với khía cạnh quản lý xã hội”- TS Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.

Đề nghị cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ

“Khi Nghị quyết 128 ra đời, xã hội đón nó như luồng gió mới”- TS Lưu Bình Nhưỡng ví von. Tuy nhiên theo ông, để thực hiện Nghị quyết 128 cho đúng, để lập lại trật tự “là cả một vấn đề”.

TS Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: VGP

“Chúng ta rất buồn với các chốt liên tỉnh. Tôi đã trực tiếp đi đến các chốt liên tỉnh và có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”- ông Nhưỡng nói và đánh giá các chốt này không có giá trị gì về mặt dịch tễ và xét về mặt giao thông vận tải thì càng tệ.

“Đây là câu chuyện thứ nhất chúng ta phải khắc phục”- ông Nhưỡng đề nghị.

Ông Nhưỡng cũng đánh giá việc cách ly tập trung rất rủi ro. “Tôi đã nghiên cứu các bệnh viện ở Bình Dương là 12.000 bệnh nhân với 12.000 giường bệnh tập trung vào đấy. Một con số khủng khiếp”- ông dẫn chứng.

“Chuyện người dân về quê, chuyện không được đi lại… trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở một hồi lâu, khi có Nghị quyết 128 thì được hít một hơi dài”- ông Nhưỡng ví von.

Ông cũng đề nghị củng cố lại hệ thống y tế. “Câu chuyện này như là đi vào trận, vừa tiến công, phải vừa bắn vừa chạy. Chúng ta không thể cầm súng ngồi để mà chờ bắn được”- ông nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. “Người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương. Đây là câu chuyện rất khó hiểu”- ông Nhưỡng nhận định.

Ông Nhưỡng kiến nghị Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước.

“Câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được”- ông Nhưỡng nói.

Ông đề nghị các cấp có thẩm quyền, từ Nghị quyết 128 này cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm. Trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm.

“Vào trận mà không chỉ huy được thì tôi đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát”- ông Nhưỡng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm