Từ ngày 1-3, Thông tư số 49/2016 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc của Bộ Y tế bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.
Mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên đường cao tốc bao gồm các trạm được tổ chức như sau:
Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với trạm thu phí, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn gần tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm: Trạm y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, trung tâm cấp cứu 115, bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân.
Theo Thông tư số 49/2016, trạm cấp cứu phải được đặt ở ngay đường dẫn, điểm đầu - cuối của đường cao tốc. Trong ảnh: Đường dẫn ở cuối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gần nút An Phú, quận 2. Ảnh: L. Đức
Trên toàn tuyến cao tốc, tối thiểu 50 km phải có một trạm cấp cứu. Các trạm cấp cứu có thể đặt ở ngay trạm thu phí và phải có biển báo, người chỉ dẫn nguy hiểm, cấm các loại phương tiện theo quy định đi vào đường cao tốc.
Motor không được đi vào đường cao tốc. Trong ảnh: Nhân viên tại đầu trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nơi theo quy định phải có trạm cấp cứu, đang hướng dẫn người đi xe máy không được đi vào đường cao tốc... Ảnh: L.Đức
.... và xin mời ông quay lại. Ảnh: L.Đức
Cũng theo Thông tư 49, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường cao tốc đi qua phải lập danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện cấp cứu tai nạn giao thông và gửi cho Trung tâm Điều hành giao thông tuyến (đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc) để điều phối và thực hiện việc cấp cứu tai nạn giao thông.
Khi xảy ra tai nạn giao thông, Trung tâm Điều hành giao thông tuyến thông báo ngay tên, tuổi, địa chỉ (nếu có), mô tả tình trạng sơ bộ của người bị tai nạn giao thông với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trung tâm Điều hành giao thông tuyến cao tốc phải tiến hành sơ, cấp cứu, giành "thời gian vàng" cho nạn nhận và chuyển ngay người bị nạn cho cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất.