Kể từ ngày 5-8, Thông tư số 44/2021 của Bộ Tài chính về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt chính thức có hiệu lực.
Theo đó, giá bản lẻ nước sạch bình quân do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, tuy nhiên phải phù hợp với khung giá nước sạch sau đây:
STT | Loại | Giá tối thiểu (đồng/m3) | Giá tối đa (đồng/m3) |
1 | Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 | 3.500 | 18.000 |
2 | Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 | 3.000 | 15.000 |
3 | Khu vực nông thôn | 2.000 | 11.000 |
Khung giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Theo quy định tại Luật quy hoạch đô thị và Nghị quyết số 1210/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì TP.HCM và Hà Nội là đô thị đặc biệt.
Do đó, khung giá nước tại TP.HCM sẽ có giá thấp nhất là 3.500 đồng/m3 và cao nhất là 18.000 đồng/1m3
Hằng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo.
Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.
Đối với trường hợp sau khi đơn vị cấp nước rà soát, giá thành 1m3 nước sạch năm tiếp theo biến động tăng ở mức đơn vị cấp nước cân đối được tài chính thì đơn vị cấp nước có công văn gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh về việc giữ ổn định giá nước sạch.
Tại khu vực đặc thù (vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn), nếu chi phí sản xuất, kinh doanh, cung ứng nước sạch ở các vùng này cao làm giá bán lẻ nước sạch bình quân của đơn vị cấp nước sau khi Sở Tài chính thẩm định phương án giá nước sạch cao hơn mức giá tối đa trong khung giá do Bộ Tài chính ban, thì UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch cho phù hợp.