Nhiều khó khăn cho DN sản xuất bao bì thân thiện môi trường

Ngày 16-4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường VN tổ chức hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất sản phẩm nhựa tự phân hủy

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận trao đổi các vấn đề liên quan đến quy định đối với việc cấp phép hoặc giấy chứng nhận nhựa tự phân hủy. Chính sách quản lý và cơ chế hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa tự phân hủy.

Hội thảo trưng bày những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: NC

Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Bộ TN&MT đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa.

Trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vận dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên về thuế, đầu tư công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu nội địa.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Bộ TN&MT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NC

“Hiện nay Bộ TN&MT đang tập trung nguồn lực để xây dựng và trình ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ năm 2020, trong đó sẽ hướng dẫn chi tiết về ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường”, ông Thành nói.

Sự chênh lệch về giá gây khó khăn cho DN

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bao bì nhựa phân hủy sinh học cũng đã nêu lên những khó khăn hiện đang gặp phải. Một trong những khó khăn lớn là thay đổi thói quen của người dân từ việc sử dụng túi nylon khó phân hủy sang sử dụng túi nylon dễ phân hủy, thân thiện môi trường bởi các yếu tố như giá thành, mẫu mã,…

Bà Phan Thị Thúy Phượng là người đã có nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm túi sinh học thân thiện với môi trường cho rằng để tạo sức lan tỏa, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường thông qua sử dụng các sản phẩm thân thiện, doanh nghiệp và các cơ quan ban, ngành nhà nước cần tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Bà Phượng kiến nghị chính quyền, đoàn thể cần xây dựng và đảm bảo tính khả thi “lộ trình” giảm tỉ lệ sử dụng túi nylon truyền thống tại các tổ chức và cộng đồng dân cư; cần có chính sách ưu đãi những doanh nghiệp sản xuất, tiêu chùng các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành các loại thuế thu từ nguồn sử dụng trực tiếp và gián tiếp túi nylon truyền thống. “Tôi mong muốn Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Công thương và Bộ tài chính quan tâm hơn những doanh nghiệp đã sản xuất túi thân thiện; đồng thời cần tạo sự công bằng, có nghĩa là cần thu thuế bảo vệ môi trường cho túi nylon truyền thống, có như thế giá thành giữa hai loại túi này không còn sự chênh lệch quá lớn, từ đó người dân dễ chấp nhận việc sử dụng túi nylon phân hủy”- bà Phượng nói

Đồng quan điểm với bà Phượng, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH hóa chất Thành Phương cho ràng việc thu thuế 50.000đ/kg đối với túi nylon truyền thống phải được thực hiện triệt để, và khi bị thu thuế như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của túi nylon truyền thống. Có như vậy thì các sản phẩm túi tự hủy sinh học, tinh bột mới có khả năng bán được ra thị trường, nhất là các chợ, nơi mà mà lượng rất lớn túi nylon được sử dụng hằng ngày.

 

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết: Hội Phụ nữ TP đã vận động hội viên và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thông qua các CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức tọa đàm “Rác thải nhựa- Hiểm họa của môi trường và sức khỏe cộng đồng”; trao tặng các sản phẩm thân thiện môi trường cho hội viên phụ nữ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm