Ngày 12-6, tại hội thảo về tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế do Hiệp hội Các trường đại học (ĐH), CĐ Việt Nam tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ ĐH đã được đặt ra.
Tự chủ đại học khiến các trường có trách nhiệm cao
Tại bài tham luận của mình, ông Dương Trường Phúc, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay mặc dù đã có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng việc quản lý hệ thống vẫn chưa có nhiều thay đổi. Ngoại trừ một số trường thuộc ĐH Quốc gia, tất cả trường ĐH công lập vẫn được quản lý theo cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp. Sự bao cấp thể hiện từ việc các trường phải chịu sự xét duyệt từ số lượng tuyển sinh, chương trình đào tạo, ngân sách tài chính cho đến thù lao cho giảng viên, bổ nhiệm chức danh...
“Cách quản lý này của Nhà nước quan tâm nhiều đến sự giám sát, khống chế và tập trung nhiều vào thành tích hơn là tập trung vào sự phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó, đối với các trường tư thục hoặc quốc tế thì việc kiểm soát của Nhà nước lại khá thông thoáng” - báo cáo tham luận của ông Phúc nhận định.
Đồng quan điểm, GS-TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho biết tự chủ ĐH tạo ra động lực tự thân của từng trường, tạo ra sự năng động giữa các trường, tránh sự trì trệ. Đồng thời, tự chủ ĐH cũng khiến trách nhiệm của các trường cao hơn, tự lo lắng những điều trước đây Nhà nước phải bao cấp.
“Tự chủ ở đây là vấn đề toàn diện chứ không phải chỉ vấn đề kinh phí. Để đảm bảo được tự chủ thì cơ chế phải thay đổi, trong đó có vấn đề quyền của hội đồng trường. Đây là vấn đề khó. Mô hình thế nào mình chưa có. Mình không thể bê nguyên xi của các nước mà cần xây dựng dần theo nguyên tắc mà Đảng đã nêu ra là trao quyền tự chủ cho trường và hội đồng trường thực sự có quyền” - GS-TS Trần Hồng Quân nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, GS-TS Lê Vinh Danh trăn trở về phân định quyền giữa hội đồng trường và hiệu trưởng. Ảnh: MAI HIỀN
Hội đồng trường không lấn quyền hiệu trưởng
Liên quan đến vai trò của hội đồng trường trong tự chủ ĐH, trong bài tham luận của mình tại hội thảo, ông Nguyễn Đặng Phương Truyền, Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng hội đồng trường là một thiết chế quan trọng cần thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng trường ĐH công lập ở địa phương chưa thành lập được hội đồng trường. Nguyên nhân là do khung pháp lý về thành lập và hoạt động của hội đồng trường đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng.
Kiến nghị sửa luật để thực hiện tự chủ đại học Tự chủ ở trường ĐH là vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là mấu chốt của cải cách. Cơ quan nhà nước cần tập trung sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH, từ đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo điều kiện thực hiện tự chủ ĐH. Ông DƯƠNG TRƯỜNG PHÚC, ĐH Quốc gia TP.HCM |
Cạnh đó, thực tế ở một số trường triển khai các quy định trước đây đã tiến hành bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường là phó hiệu trưởng hay phó bí thư đảng ủy trường dẫn đến vai trò của chủ tịch hội đồng trường cũng khó phát huy. Thậm chí ở một số trường thì chủ tịch hội đồng trường là trưởng một đơn vị trong trường, là cấp dưới của hiệu trưởng nên khả năng điều hành cuộc họp với thành viên là ban giám hiệu thường hạn chế.
Về vấn đề này, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngôi trường đang xây dựng thành công mô hình tự chủ ĐH chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của trường mình. Ông nói: “Từ kinh nghiệm của chúng tôi, hội đồng trường cần hiểu vai trò của mình là gì và không nên lấn sân quyền của hiệu trưởng. Khi hội đồng trường làm đúng vai trò của mình thì hiệu trưởng cũng làm đúng vai trò của mình”.
Ông Danh lấy dẫn chứng tại hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong suốt nhiều năm qua, hội đồng trường chỉ quyết định những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn; quyết định các dự án lớn đầu tư trên 5 tỉ đồng; quyết định về các cải biến lớn liên quan đến bậc đào tạo, trình độ đào tạo, xét về mặt chuyên môn; quyết định về các cơ cấu lớn trong trường và quản lý nhân sự từ cấp phó hiệu trưởng trở lên; cuối cùng là ban hành các văn bản pháp quy cơ bản nhất, thông qua để cho hiệu trưởng ban hành hoặc tự ban hành các văn bản có tính nền tảng của trường, từ nền tảng đó nhà trường sẽ xây dựng những văn bản pháp quy kế tiếp.
Ông Danh nhấn mạnh: “Hội đồng trường có thực quyền. Vì hội đồng trường là nơi bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Tổ chức đó được UBND TP công nhận, sau này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận. Vì sao có một số trường có hội đồng trường chưa mạnh, đó là do quyền hạn hội đồng trường và hiệu trưởng chưa được phân định rõ ràng”.
Khối sư phạm và khoa học cơ bản khó tự chủ đại học Thực tế cho thấy những trường tự chủ được kinh phí hiện nay chủ yếu là giảng dạy các ngành kinh tế, xã hội, kỹ thuật, công nghệ. Hầu hết các trường đó không phải đầu tư nhiều máy móc, có nhiều ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao. Ngược lại, nhu cầu đối với các ngành thuộc trường khối sư phạm hay khoa học cơ bản không cao, xã hội không thực sự mặn mà trong khu vực nhà nước, nền kinh tế xã hội lại cần. Vì vậy, nếu đặt nặng vấn đề kinh phí, những trường này khó có thể tự chủ cao. Ông NGUYỄN HOÀNG TIẾN, Trường ĐH Thủ Dầu Một |