Sáng 12-6, tại hội thảo Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế…, GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề tự chủ đại học.
Mở đầu câu chuyện, ông Danh nhớ lại những ngày đầu thành lập trường đại học Tôn Đức Thắng. Ông cho biết, trong 10 năm thành lập, từ đại học dân lập rồi chuyển sang đại học bán công, trường luôn phải tự thân vận động tất cả. Đó là quá khứ vừa thuận lợi lại vừa không thuận lợi.
“Chúng tôi không có gì trong tay, bắt đầu từ số không hoàn toàn. Con người không, tài chính không, tài sản không, uy tín không, chương trình không, giáo trình tài liệu không... Đó là 10 năm đầy gian khổ. Nhưng chúng tôi có thuận lợi, đó là chúng tôi không dính tới ngân sách nhà nước. Nhờ vậy mà lịch sử vấn đề tự chủ của trường cũng như nguồn gốc bộ máy, nhân sự, tổ chức, các kế hoạch phát triển... có từ rất xa xưa”, ông nói.
Vào năm 2006, Trường đại học Tôn Đức Thắng có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển từ trường bán công thành trường tư, nhưng trường đã đấu tranh để được chuyển sang trường công. Do đó, đến năm 2008 trường đại học Tôn Đức Thắng quyết định chuyển về Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN).
Sau khi chuyển về TLĐLĐVN, Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục hoạt động theo cơ chế cũ, thu chi tài chính như một trường ngoài công lập, không điều chuyển tài chính tài sản của trường ra bên ngoài dưới bất cứ hình thức nào.
“Trong tám năm liên tục, từ 2008-2016, Chủ tịch của TLĐLĐVN rất tôn trọng truyền thống tự chủ của trường, nên gần như Hội đồng trường là cơ quan quyền lực tuyệt đối. Có thể nói thành quả của ngày hôm nay cũng chính từ cơ chế đó”, ông Danh nói.
Tuy nhiên, GS.TS Lê Vinh Danh cho biết, từ năm 2016 đến nay khi TLĐLĐVN có chủ tịch mới thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Chủ tịch mới yêu cầu các ban can thiệp sâu vào việc của trường đại học Tôn Đức Thắng, khi trường làm bất cứ việc gì đều phải xin phép, phải được phép từ TLĐLĐVN.
“Dĩ nhiên chúng tôi phản đối việc đó. Chúng tôi phản đối bằng văn bản, nhưng không ăn thua. Chúng tôi phản đối qua các cuộc họp, cũng không được. Càng ngày, mức can thiệp càng sâu. Đỉnh điểm là Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các trường chuẩn bị điều chỉnh quy chế, chuẩn bị việc bầu bán theo tinh thần của Luật sửa đổi bổ sung của Luật giáo dục đại học để có thể áp dụng từ 1-7.
Sau cuộc họp của Hội đồng trường, TLĐLĐVN ban hành văn bản yêu cầu trường phải thực hiện theo các quy định. Đó là lý do dẫn đến những cuộc tranh luận trong thời gian vừa qua.
Chúng tôi có một lo ngại, nếu chúng tôi thất bại thì không những hình mẫu thành công số một đất nước về tự chủ này có thể hủy hoại. Điều quan trọng là sẽ tạo ra một tiền lệ rồi các cơ quan chủ quản khác cũng có thể can thiệp vào trường đại học tự chủ mà mình quản lý. Như vậy Luật giáo dục đại học mới sẽ phá sản”, ông Danh nói.