Chiều 10-6, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gọi tắt là TLĐ) gặp gỡ một số cơ quan báo chí chia sẻ thông tin liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng (trực thuộc TLĐ) phản ứng những chỉ đạo của đơn vị này.
Mở đầu buổi chia sẻ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều lần khẳng định về vai trò của TLĐ trong việc phát triển Trường ĐH Tôn Đức Thắng như việc cấp, cho vay và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất cho trường.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ với báo chí.
“Một đứa con béo lên chắc chắn phải được sự chăm bẵm, yêu thương của cha mẹ”, ông Hiểu lấy ví dụ. Đồng thời khẳng định ngoài sự nỗ lực của nhà trường thì sự phát triển của trường không tách khỏi sự lãnh đạo của TLĐ.
Ông Hiểu cũng nhắc lại những thời kỳ khó khăn của nhà trường và khẳng định TLĐ không cấp cho trường 1.000 tỉ đồng tiền mặt, nhưng bằng nhiều hình thức như khác như nói ở trên với số tiền lớn hơn con số 1.000 tỉ đồng.
Về việc trường “tố” TLĐ có ba văn bản buộc nộp 30% tiền chênh lệch thu chi, ông Hiểu khẳng định chưa bao giờ đơn vị có văn bản nào đòi tiền nhà trường.
Các văn bản nhắc đến tiền của TLĐ, ông Hiểu lý giải do năm 2017, Đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của TLĐ tiến hành kiểm tra tại Trường đại học Tôn Đức Thắng. Sau quá trình làm việc, đoàn kiểm tra trích dẫn Quy định 1684/2006 của TLĐ thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.
Vì vậy, đoàn kiểm tra có kiến nghị về việc thực hiện các quyết định trên với Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ. Tuy nhiên kiến nghị này của đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch TLĐ phê chuẩn và triển khai vì lãnh đạo TLĐ cho rằng ngoài quy định của TLĐ, trường còn thực hiện theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc trường “tố” TLĐ can thiệp vào nhân sự trường, ông Hiểu cho rằng Luật Giáo dục đại học đến 1-7-2019 mới có hiệu lực. Tuy nhiên, thời điểm TLĐ có văn bản chỉ đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng là dựa vào quy định hiện hành: “Lúc nào luật có hiệu lực mới thay thế luật cũ, nên chỉ đạo tại công văn 665 của TLĐ không sai”, ông Hiểu khẳng định và cho biết theo quy định, những vấn đề lớn như nhân sự chủ chốt của trường TLĐ phải cho ý kiến, vì đây chính là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
Liên quan đến việc TLĐ đề nghị Bộ GD&ĐT xác minh chức danh phong giáo sư của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, ông Hiểu lý giải là “có dư luận kiến nghị với TLĐ” về vấn đề trên. Nhưng TLĐ không có chuyên môn, nên đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét và khẳng định.
“Nếu ông Danh được cơ quan chức năng khẳng định học hàm đó thì TLĐ phải bảo vệ đến cùng vì đây là danh hiệu cao quý mà chúng ta phải trân trọng, nếu nó phù hợp với pháp luật. Kết quả chúng tôi sẽ báo cáo sau và hi vọng không có vấn đề gì…”, ông Hiểu nói.
Cuối cùng, ông Hiểu khẳng định đây là sự việc đáng tiếc và không bằng lòng với phản ứng của nhà trường vì quá gay gắt. “Chúng tôi chưa bao giờ từ chối trao đổi với nhà trường về các vấn đề nhà trường quan tâm. Thậm chí gần đây chúng tôi tổ chức cuộc họp để giải quyết những vấn đề liên quan đến trường, nhà trường cũng không chịu bố trí lãnh đạo ra họp…”, ông Hiển dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Hiểu cho rằng sự việc chưa dừng lại khi Hiệu trưởng nhà trường “tranh thủ” việc Chủ tịch đi công tác nước ngoài để triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên trường. Trong khi quy chế phải xin ý kiến chủ tịch và nếu chủ tịch bận sẽ ủy quyền cho người khác dự.
“Đây là điều đáng tiếc, thể hiện việc tuân thủ pháp luật của trường chưa đạt yêu cầu. Chưa đảm bảo cấp dưới phục tùng cấp trên, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ”, ông Hiển kết thúc phần chia sẻ với báo giới.
Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương phản đối TLĐ buộc trường phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế.
Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường, trái với các quy định hiện hành khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định. Bên cạnh đó, Thường trực TLĐ tự tiện sửa Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ban hành luôn để chỉ định Hội đồng trường phải bầu Chủ tịch Tổng liên đoàn làm Chủ tịch Hội đồng trường…