TS. Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Kế toán Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đã chia sẻ như vậy tại lễ sơ kết 10 năm (2008-2018) trường hoạt động tự chủ tài chính, định hướng trở thành ĐH nghiên cứu.
TS. Hạnh thông tin thêm, ngày đó nghe trường phổ biến kế hoạch phát triển 10 năm, trong hai giai đoạn để trở thành ĐH nghiên cứu tập thể giảng viên ai cũng ái ngại và còn lạ lẫm về khái niệm xếp hạng ĐH. Tình cảnh lúc đó trường có nhiều cái không như không tiền, không tiếng tăm, cơ sở chắp vá, thuê mướn. Đã thế mùa mưa trường dột nát, giáo viên chạy mướt mồ hôi di chuyển từ cơ sở này đến cơ sở khác để kịp giờ đứng lớp.
"Vậy mà 10 năm sau trường đã có cơ ngơi đẳng cấp khu vực và quốc tế, có phòng học điều hòa, học tập trung, hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Quả thực ít ai ngờ điều đó thành hiện thực với một trường ít tiếng tăm như TDTU buổi đầu khó khăn ấy", TS. Hạnh chia sẻ.
Tự chủ tài chính, định hướng trở thành đại học nghiên cứu được ĐH Tôn Đức Thắng định hướng từ 10 năm trước. Ảnh: AN NHIÊN
Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng TDTU, cho biết từ năm 1997-2008 trường là đại học dân lập, rồi đại học bán công. Suốt 11 năm này trường cũng đã tự chủ tài chính hoàn toàn và không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước hay tổ chức công đoàn.
Đến 2008, dù đã được chuyển sang công lập, nhưng ngược với toàn bộ các đại học công khác là phải được ngân sách nhà nước đầu tư như Luật giáo dục qui định, thì TDTU vẫn tiếp tục tự chủ tài chính hoàn toàn, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước hay công đoàn. Dù chưa có khái niệm đại học công lập tự chủ, TDTU đã là đại học công tự chủ tài chính từ 2008. Tài sản của nhà trường làm ra từ nguồn tự tích lũy.
Về nghiên cứu khoa học, TDTU là đại học đầu tiên ở Việt Nam yêu cầu sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học phải được công bố trên các tạp chí khoa học-công nghệ quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Nghiên cứu công nghệ phải có kết quả đầu ra đạt được bằng sáng chế công nghệ của Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (United States Patents and Trademark Office: USPTO). Điều quan trọng, nghiên cứu ứng dụng phải được doanh nghiệp tài trợ hoặc tiếp nhận đưa vào sản xuất kể từ cuối kỳ kế hoạch thứ nhất.
Hiện TUTU đang sở hữu một thư viện 'sang chảnh' liên kết tài liệu với 9.000 thư viện lớn nhất trên toàn thế giới. Ảnh: AN NHIÊN
Từ đó ông Danh đúc kết, cùng với tự chủ ĐH, định hướng trở thành ĐH nghiên cứu lọt vào top 500 ĐH tốt nhất châu Á, qua 10 năm, TDTU vẫn là ĐH đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được USPTO cấp bằng sáng chế khoa học công nghệ.
Tính từ 1975 đến nay, cả nước mới có 26 bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 7 bằng sáng chế là của TDTU. Ước tính giá trị khoa học đã chuyển giao trong 5 năm thực hiện kế hoạch lần thứ 2 là 100 tỷ đồng.
Cùng với xây dựng cở sở đào tạo hiện đại, nghiên cứu khoa học, tập trung đội ngũ giảng viên có uy tín, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phát triển vượt bậc. Theo đó đời sống, thu nhập của giảng viên, viên chức đã được nâng lên hơn 50% so với con số cuối 2013 với mức trung bình là 17 triệu đồng/người/tháng.
"Người lao động TDTU có thể sống và làm việc tốt bằng thu nhập chính thức từ trường và nếu làm vượt giờ, làm thêm thì đời sống dư dả", người đứng đầu TUTU khẳng định.