Từ chức: Thể hiện tự trọng và bản lĩnh

Góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ (quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý) do Bộ Nội vụ soạn thảo, TS Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc CECODES - Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng) nhận định: “Khi nói đến vấn đề từ chức thì lòng tự trọng và ý thức sâu sắc về vai trò phục vụ người dân của cá nhân đó vẫn là điều quan trọng nhất. Người dân sẽ đánh giá rất cao nếu một lãnh đạo tuyên bố từ chức như một hành động chịu trách nhiệm cho những sự việc xảy ra trong lĩnh vực mình quản lý”.

Không thể cãi lý để “thắng” dân

. Theo dự thảo nghị định thì người lãnh đạo có thể từ chức do “nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình”. Làm thế nào để xác định được trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong một vụ việc, thưa ông?

+ Khi có một vấn đề xảy ra, một câu hỏi thường xuyên được đặt ra là làm thế nào để xác định được trách nhiệm của các cấp khác nhau. Khi nào thì có thể nói trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cấp cao, khi nào thì trách nhiệm chỉ thuộc về một nhân viên cấp thấp đâu đó của bộ máy?

Năm 1995, ở New Zealand, một bệ ngắm cảnh chìa ra vách núi ở một công viên quốc gia bị sập, kéo theo 14 sinh viên dã ngoại rơi xuống vực sâu 40 m ở bên dưới. Một ủy ban điều tra độc lập phát hiện ra nhiều lỗi nghiêm trọng trong thiết kế, thi công và giám sát (ví dụ, dùng bu-lông có kích thước quá nhỏ). Quan trọng hơn, báo cáo của ủy ban chỉ ra rằng những thiếu sót này không mang tính vụ việc cá biệt mà mang tính hệ thống, bắt nguồn từ những vấn đề về quy trình quản lý của Bộ Bảo tồn. Với tình trạng lúc đó của bộ, “một tai nạn như vậy có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.” Sau một năm giằng co, bộ trưởng Bộ Bảo tồn từ chức. Tiếp theo, New Zealand cho thanh tra toàn bộ 520 công trình tương tự trên toàn quốc, đồng thời thay đổi Luật Xây dựng, đưa các cơ quan nhà nước vào nghĩa vụ pháp lý trong những trường hợp tương tự trong tương lai.

Những tương đồng của vụ này và vụ sập cầu treo ở Lai Châu (Việt Nam) là rất lớn. Vì sao ở Lai Châu, các khâu giám sát, nghiệm thu, quản lý dự án đều không phát hiện ra chiếc neo sai quy cách? Các thiếu sót trong quy trình quản lý ở đây là cá biệt hay mang tính hệ thống? Các công trình tương tự ở Việt Nam có bị nguy hiểm như vậy hay không? Chúng ta cũng cần những đánh giá độc lập như ví dụ ở trên. Và nếu câu trả lời là lỗi hệ thống thì trách nhiệm cũng phải ở tầng cao hơn chứ không thể chỉ gói gọn ở những người có liên quan trực tiếp tới cầu này.

. Dự thảo cũng nêu cá nhân được từ chức khi“nhận thấy mình không còn đủ uy tín”. Theo ông, khi nào thì cán bộ làm lãnh đạo được cho là không còn đủ uy tín?

+ Chính trị không phải là toán học để có thể đo đạc mức độ uy tín. Tôi xin nêu một ví dụ: Năm 2010, tại một festival lớn ở TP Duisburg (Đức), những sai lầm trong việc phân luồng đám đông dẫn tới hàng trăm ngàn người bị dồn ứ, dẫm đạp lên nhau, làm 21 người tử vong. Mặc dù dân chúng rất phẫn nộ nhưng ông thị trưởng TP kiên quyết không từ chức, viện lý do là mình “không làm gì sai” và tất cả khâu liên quan tới quá trình tổ chức đều được duyệt “đúng quy trình”. Điều mà ông thị trưởng quên mất là ngoài logic ra, người lãnh đạo còn cần có một sự nhạy cảm chính trị nữa. Hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông ta là hai năm địa ngục, khi ông ta bị toàn bộ TP coi thường và ghét bỏ. Bài học ở đây là người ta không bao giờ có thể cãi lý để “thắng” được dân.

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng tới nạn dịch sởi ở Việt Nam vừa rồi, khi các nhà chức trách luôn luôn cho rằng mình “làm đúng” mọi thứ, còn lỗi nằm ở chỗ khác, từ người dân cho tới thời tiết. Trong cả hai trường hợp, thiết nghĩ nhà lãnh đạo nên từ chức để tỏ lòng tôn trọng các nạn nhân và chia sẻ sự mất mát với những gia đình có người bị nạn. Dù mất ghế nhưng họ sẽ được rất nhiều.

Trách nhiệm không chỉ qua lời xin lỗi

. Hiện nay ở ta chưa có thói quen về từ chức nên nếu ai đó có ý định từ chức dễ dẫn đến suy nghĩ là họ có vấn đề gì không bình thường hay là có động cơ gì... Liệu có vì vậy mà người muốn từ chức cũng e ngại?

+ Không phải vậy. Tôi tin rằng người dân sẽ đánh giá rất cao nếu một lãnh đạo tuyên bố từ chức như một hành động chịu trách nhiệm cho những sự việc xảy ra trong lĩnh vực mình quản lý.

Theo dõi dư luận hiện nay, ta thấy người dân chỉ bức xúc vì một số lãnh đạo mà người dân cho rằng không làm tròn công việc của mình vẫn khư khư giữ ghế chứ không ai bức xúc vì lãnh đạo tuyên bố từ chức cả. Vậy theo tôi, các lãnh đạo cứ mạnh dạn. Tâm huyết và bản lĩnh của họ sẽ được xã hội đánh giá đúng.

Từ nhiều năm nay, báo chí và dư luận vẫn phê phán là chúng ta chưa có văn hóa từ chức. Vậy nên ai là những người đầu tiên tạo ra thói quen đó, văn hóa đó chắc chắn sẽ được xã hội đánh giá cao.

Tôi cũng cho rằng thái độ nhận trách nhiệm không thể chỉ được thể hiện qua một lời xin lỗi mà phải gắn liền với những thay đổi cụ thể trong điều hành quản lý và sử dụng nhân lực. Ví dụ, hiện nay người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi nộp thuế. Vậy những thay đổi cụ thể, những hành động trực tiếp trong lĩnh vực này là gì?

Một lời xin lỗi không tháo gỡ được những vướng mắc trong hệ thống. Nếu không có những thay đổi cụ thể thì những lời xin lỗi sẽ không có tác dụng, sẽ trở nên “nhờn” và người dân sẽ mất lòng tin vào bộ máy công quyền. Trong quản lý kinh doanh, nếu giám đốc để cho công ty làm ăn thua lỗ triền miên, nhân viên ở dưới chểnh mảng, tư túi, khách hàng kêu ca thì phải nhường vị trí đó cho người khác. Trong quản lý nhà nước cũng cần như vậy.

. Để vấn đề từ chức có thể thực hiện được một cách nghiêm túc và có hiệu quả trong công tác quản lý cán bộ, theo ông nghị định cần bổ sung thêm những điều gì?

+ Nghị định nên vạch rõ quá trình đánh giá trách nhiệm thông qua một ủy ban độc lập, ngoài Nhà nước. Ví dụ, vụ năm công an đánh chết người ở Phú Yên là một trường hợp cá biệt hay nó xảy ra ở nhiều nơi và qua đó thể hiện lỗi hệ thống trong quá trình tuyển dụng, đào tạo và quản lý công an viên cũng như xử lý các vi phạm trong ngành? Tương tự, theo các chuyên gia thì tổn thất tính mạng của hơn 100 trẻ em trong dịch sởi vừa rồi có thể giảm thiểu được không nếu như các nhà quản lý hành động khác đi hay hậu quả của nó là “bất khả kháng”?

Tôi xin được lưu ý rằng từ năm 2007 đến 2012, Nhật Bản thay tới năm thủ tướng, trung bình mỗi người chỉ giữ ghế một năm rồi rút lui, vì cùng một lý do là không được lòng dân. Nhật Bản làm được điều này không phải vì họ có một nghị định quản lý cán bộ hoàn hảo hơn ta.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG

 

Tự giác đến từ tự trọng

. Phóng viên: Việc nhận thấy sai phạm, khuyết điểm hay không đủ uy tín… mang tính tự nguyện, tự giác nhưng trên thực tế ít ai tự nguyện, tự giác từ bỏ quyền lực, chức vụ của mình. Thậm chí có trường hợp để xảy ra sai phạm, gây mất uy tín nhưng có khi còn cố che đậy để giữ cái chức của mình. Cách nào để họ tự giác từ chức như đề xuất nêu trong dự thảo?

+ TS Đặng Hoàng Giang: Tự giác đến từ tự trọng. Người có tự trọng và bản lĩnh thì sẽ nhận trách nhiệm, kể cả trong những trường hợp họ không trực tiếp có lỗi. Cố Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt đã từ chức năm 1974 khi một trong những thư ký của ông bị phát hiện là điệp viên Đông Đức được gài vào mặc dù ông không liên quan.

Năm 1982, khi Argentina chiếm đóng quần đảo Falkland của Anh, ngoại trưởng Anh đã từ chức, chỉ vì ông đã tự nhận là “không lường trước được sự việc”. Năm 2009, Guttenberg, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức, phải từ chức vì bị phát hiện luận văn tiến sĩ của ông đạo văn, một điều không liên quan gì tới năng lực làm bộ trưởng nhưng qua đó dư luận nghi ngờ tư cách đạo đức của ông và điều đó đủ để kết liễu con đường chính trị của ông. Gần đây nhất, thủ tướng Hàn Quốc từ chức vì những thiếu sót trong hoạt động cứu hộ trong vụ chìm phà tháng 4 vừa rồi cũng là một ví dụ gây ấn tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm