Sáng 11-9, UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về đề án “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, đề án do Ban Dân vận Trung ương chủ trì soạn thảo.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là vấn đề tự thân, rất khó giám sát.
Ông Nguyễn Viết Chức: "Nếu quyết tâm giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thì phải xem xét kỹ lưỡng".
“Phê bình và tự phê bình chúng ta làm mấy chục năm nay rồi, còn hình thức lắm. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thì giám sát thế nào? Nếu quyết tâm làm thì phải xem xét kỹ lưỡng. Tu dưỡng gì mà mở cái tiệc chiêu đãi nhau mất hơn 100 triệu? Vậy quá trình tu dưỡng thế nào?”, ông Chức đặt vấn đề.
Dẫn ra việc thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, ông Chức nói: “Bác bảo kính trọng dân. Thế nhưng có cán bộ dân vừa vào gặp là hỏi ngay: sổ đỏ phải không? Sang bên kia. Thế là không trọng dân đấy”.
Còn ông Đỗ Duy Thường lại cho rằng: nếu giám sát thì chỉ cần nói chung giám sát cán bộ, đảng viên thôi, chứ đừng nói giám sát cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Và chỉ giám sát việc thực hiện chủ trương của đảng, pháp luật của nhà nước.
“Còn việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là vấn đề hết sức mới”, ông Thường nói.
Hơn nữa, ông Thường còn đặt vấn đề: “Có giám sát bí thư đảng ủy, giám sát cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý không? Khái niệm người đứng đầu và cán bộ chủ chốt nếu tranh cãi hàng năm cũng không ra. Từ điển tôi tra cũng không ra thế nào là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nói rằng: kết quả của tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống thì biểu hiện là những công việc trong thực hành chức danh lãnh đạo. “Biểu hiện thì giám sát được chứ quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thì khó giám sát”, ông Dĩnh nói.
Theo ông Dĩnh, nhiều vấn đề, hiện tượng hiện nay người dân tự phát hiện và giám sát rất nhiều, như vấn đề BOT, vấn đề đất đai. Ông Dĩnh đặt ra vấn đề quyền giám sát của người dân đối với các vấn đề mà đề án đặt ra.
GS Trần Ngọc Đường thì lo ngại bởi ngay như Luật Phòng chống tham nhũng muốn truy cứu trách nhiệm người đứng đầu nhưng cũng không truy cứu được nhiều.
GS Trần Ngọc Đường: "Chỉ nên giám sát trong phạm vi 19 điều đảng viên không được làm"
Theo GS Đường, cần khu biệt phạm vi giám sát xung quanh 19 điều đảng viên không được làm. “Cái đó là đạo đức đấy. Làm được là chống được suy thoái đấy. Làm vậy thì mới khả thi”, GS Đường nói.
Theo dự thảo lần thứ 4 về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, có 5 nội dung được quy định phải giám sát. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện những điều đảng viên không được làm, thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Đặc biệt, một nội dung gần gũi hơn được giám sát là: vận động, động viên cha, mẹ, vợ, chồng, người thân và giáo dục con giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật và lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi.
Đề án sẽ được trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.