Tọa đàm về thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/2006 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc ban hành Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” mới đây cho thấy: Khó khăn lớn nhất là giám sát lãnh đạo cao cấp.
Cấp dưới sao giám sát cấp trên!
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhớ lại khi Nghị quyết 05/2006 mới được thực hiện, nhiều tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam ở trung ương cũng than rằng: “Giám sát thế nào đây anh, khó lắm!”.
Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật MTTQ Việt Nam TP.HCM, ông Lý Ngọc Thạch, cho hay MTTQ TP.HCM đã tham mưu với Thành ủy về việc giám sát đạo đức, lối sống, tác phong của đảng viên, cán bộ, công chức tại khu dân cư.
Tuy vậy, ông Thạch cho biết với những lãnh đạo cao cấp, người đứng đầu, việc giám sát là rất khó khăn. Bởi thường những lãnh đạo cao cấp ở nhà riêng, kín cổng cao tường, có bảo vệ. “Đoàn giám sát có khi tới gần nhà lãnh đạo cao cấp thì bị bảo vệ mời đi chỗ khác” - ông Thạch nói.
Thậm chí theo ông Thạch, có những lãnh đạo cao cấp chẳng bao giờ đi họp tổ dân phố hoặc có lãnh đạo thì cử người giúp việc đi họp chỉ để nghe ý kiến nên công tác giám sát cũng rất khó. Vả lại những người thực hiện công tác giám sát đa phần là cấp dưới của những lãnh đạo cao cấp, người đứng đầu các cơ quan, chẳng hạn như bí thư thành ủy. “Giám sát thế nào? Khó lắm! Chẳng lẽ nói: “Anh ơi, chúng em chuẩn bị giám sát anh”?” - ông Thạch phân trần.
Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Phạm Đức Thương nêu thực trạng ở địa phương mình và cho hay: “Chẳng hạn như công đoàn có ban thanh tra nhưng chủ yếu là thanh tra kinh tế thôi chứ chưa thanh tra, giám sát cán bộ. Khi làm thì phải phối hợp với các ban đảng. Tuy nhiên, Đảng có sự phân cấp quản lý cán bộ, do đó đụng đến người đứng đầu hoặc người do thường vụ quản lý thì cũng có những vướng mắc”.
Không muốn làm vì ngại đụng chạm
Theo ông Đỗ Duy Thường, việc giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp vẫn phải dựa vào dân thông qua bốn hình thức đã được quy định là phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, ông Thường cũng đề cập đến hình thức giám sát thông qua hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, hội nghị tiếp xúc cử tri để trực tiếp xử lý kiến nghị của nhân dân. Thậm chí ông Thường còn đề nghị những bản kiểm điểm của cấp ủy cũng phải được nhân dân đóng góp ý kiến.
Đặc biệt, ông Thường đề cập tới việc giám sát thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. “Những vụ việc như cán bộ, chuyên viên ở phường Văn Miếu (Hà Nội) gây khó khi cấp giấy chứng tử cho dân thì mặt trận nên vào cuộc. Vụ phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đi ăn bún gây xôn xao dư luận thì mặt trận có nên vào cuộc không? Cơ chế này phải bàn cho rõ” - ông Thường nói.
Ông Phạm Đức Thương cũng cho rằng cần phải có sự hướng dẫn chi tiết hơn vì việc giám sát liên quan đến những đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị của nhân dân đối với các đảng viên, cán bộ, công chức. “Không nhiều tổ chức muốn làm điều này vì đụng chạm đến những người lãnh đạo, những người chủ chốt và những người nắm quyền lực. Bởi sau đó những người nắm quyền lực có thể có việc lạm dụng quyền lực để chi phối lại quyền lực của nhân dân” - ông Thương cho hay.
Theo PGS-TS Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong giám sát thì đạo đức của cán bộ chủ chốt phải gắn liền với việc thực thi quyền lực của họ. Đồng thời, MTTQ Việt Nam phải là cơ quan bỏ phiếu tín nhiệm.
Mặt khác, TS Đức nói: “Cần phải xem lại cách bỏ phiếu cả ba mức đều là “tín nhiệm”. Theo tôi, cần phải có bỏ phiếu “bất tín nhiệm”. Khi một cán bộ chủ chốt vi phạm kỷ luật thì cần bỏ phiếu giữ lại hay không giữ lại. Việc bỏ phiếu tín nhiệm phải thực hiện ở tất cả các cấp”.
“Hộp thư giám sát đặt ở ủy ban, ai dám vô đó mà bỏ thư?” Theo ông Đinh Trường Sơn, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, thực ra nhân dân rất băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của công tác giám sát đảng viên, cán bộ, công chức ở nơi cư trú bởi những kiến nghị của nhân dân chưa có cơ chế xử lý. Ninh Bình đã triển khai thí điểm công tác giám sát tại 42 xã, mỗi xã đều có một hòm thư giám sát. “Lúc đầu có nhiều thư góp ý nhưng việc giải quyết các kiến nghị của nhân dân rất chậm. Có những cơ quan được gửi công văn năm lần nhưng không giải quyết kiến nghị. Nhân dân khó tin tưởng. 42 hòm thư giám sát giờ không còn nữa vì không có hiệu quả” - ông Sơn nêu thực trạng. Ông Lý Ngọc Thạch cho hay trong công tác giám sát, TP.HCM cũng chú trọng giám sát cán bộ theo cách đột xuất tại nơi công tác, sử dụng phương pháp của PAPI và đồng thời sử dụng cả hộp thư giám sát. “Thực tế TP.HCM có hộp thư giám sát nhưng có khi cả năm nhận được có một lá đơn. Hộp thư giám sát để ở khu phố cũng rỉ sét. Hơn nữa, hộp thư giám sát đặt ở UBND, ai dám vô đó mà bỏ thư?” - ông Thạch nêu. Ông Đinh Trường Sơn, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, dù thừa nhận còn có những khó khăn khi giám sát lãnh đạo, người đứng đầu nhưng việc nhân dân nêu ý kiến với các lãnh đạo tỉnh vẫn diễn ra bình thường. “Lãnh đạo của tỉnh cũng bị nhân dân có ý kiến. Chẳng hạn, khi lấy ý kiến ứng cử đại biểu Quốc hội hay HĐND thì người dân cũng nói thẳng với những lãnh đạo không tham gia sinh hoạt khu phố, kín cổng cao tường, không tham gia mừng thọ các cụ và ủng hộ các cháu thiếu nhi” - ông Sơn cho hay. |