Ai kiểm tra dấu hiệu tham nhũng của cán bộ cấp cao?

Đây là quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Điều 72 dự thảo luật quy định rõ: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nguồn: ubkttw.vn

Căn cứ tiến hành kiểm tra, theo Điều 71 dự luật, là khi có dấu hiệu hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 luật này; theo yêu cầu hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền; khi có thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng mà nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để kiểm tra, xác minh.
Điều 74 dự thảo cũng quy định cụ thể về việc xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra của Đảng. Trong đó, trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định kiểm tra yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng.
Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng nhưng Ủy ban Kiểm tra của Đảng không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì người ra quyết định kiểm tra phải chủ động phối hợp và chuyển tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp biết…
1.000 cán bộ cấp cao trong diện kiểm tra, giám sát tài sản
Ngày 23-5-2017, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Số lượng cán bộ chịu tác động của quy định khoảng 1.000 người.
Việc kiểm tra, giám sát chỉ tiến hành nếu có ba yếu tố: Khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát; xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ; khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định về kê khai tài sản.
Các chức vụ do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; lãnh đạo các ban của Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy…
Các chức vụ do Ban bí thư trực tiếp quản lý gồm: Phó trưởng ban của Trung ương; Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng; Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy…
Theo Vnxepress

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm