'Tư lệnh' trong chiến dịch chống COVID-19 ở thôn Văn Lâm 3

Sáng 17-3, ngày đầu tiên thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc tổ chức cách ly y tế thôn Văn Lâm 3 sau ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của BN61.

Trực tiếp vào vùng dịch COVID-19

Ông Lê Huyền, Phó bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng ban phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Thuận Nam, tại khu vực chốt cách ly Văn Lâm 3. Ảnh: NÚI XANH

Tại trụ sở UBND xã Phước Nam, chúng tôi gặp ông khi vừa kết thúc cuộc họp triển khai các nhiệm vụ sau khi Văn Lâm 3 vừa lập chốt cách ly y tế.

Thấy anh em báo chí đang túm tụm chờ thông tin từ Ban chỉ đạo, ông đi ngang gật đầu chào nói: "Mình đi xem anh em triển khai việc cách ly tập trung với những người F1 đã, có gì gặp sau nhé" rồi bước chân đi.

Thực sự chúng tôi không biết đấy là ai, một anh cán bộ xã nhìn theo rồi nói: "Ông Lê Huyền - Phó bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng ban phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Thuận Nam đấy".

Trong một lần "gặp sau" hiếm hoi tại khu vực sinh hoạt dã chiến của lực lượng công an, tôi hỏi ông xuống Văn Lâm có khi nào sợ bị lây nhiễm không?

Nghe xong ông cười và kể chuyện: "Sáng nay xuống bệnh viện tỉnh khám sức khỏe định kỳ, mình tới sau thì cũng phải chờ như mọi người, nhưng bác sĩ biết mình từ Văn Lâm về cho nên vội vàng kéo mình vào khám trước.

Chắc là họ ưu tiên người đang đi chống dịch nhưng cũng có khi họ sợ, mình lỡ có gì lại lây nhiễm cho người xung quanh cũng nên".

Ông Lê Huyền cùng lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận tỉnh thăm các chốt ở khu vực cách ly. Ảnh: NÚI XANH

Ông cười hì hì rồi nói không hiểu vui hay thật lòng: "Vào đây mọi người nhớ là khi chào nhau, phải quên phép lịch sự bắt tay đi nhé, không khéo mình cũng F2, F3 rồi cũng nên".

Rồi ông tâm sự: "Nói vậy chứ, ai mà không sợ bị lây nhiễm. Có điều mình phải thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế trong việc phòng bệnh, tự cách ly và giữ khoảng cách với mọi người.

Anh em cán bộ tỉnh, huyện được phân công xuống đây, rồi cán bộ xã và hơn chục ngàn người dân ở đây chẳng lẽ họ không sợ bị lây nhiễm hay sao. Lãnh đạo mà không xuống cơ sở để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với mọi người thì coi sao được chứ". 

Ông Lê Huyền trò chuyện với người dân trước giờ gỡ bỏ cách ly tại thôn Văn Lâm. Ảnh: NÚI XANH

Hầu như ngày nào cũng ông cũng tới chỉ đạo, cùng địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Một trưa chang chang nắng hay đêm khuya nhiều người vẫn bất ngờ gặp ông ở đây. Khi thì ông đưa các lãnh đạo tỉnh tới thăm hỏi động viên, lúc thì tiếp các đoàn ghé ủng hộ cho địa phương.

Một chiến sĩ công an trực chốt nói: "Đêm khuya mà thấy xe dừng ở chốt thì một là lãnh đạo công an huyện đi kiểm tra, hai là ông chủ tịch huyện đến thăm, động viên anh em làm nhiệm vụ. Bây giờ cũng quen rồi, nhìn xe là biết ai luôn".

Có buổi trưa ông tới xã kiểm tra công việc tiếp nhận hàng cứu trợ. Sau khi xem danh sách các tập thể và cá nhân đã ủng hộ, ông nói: "UBND huyện mới giao ban sáng nay, tôi nói là đồng bào Văn Lâm 3 đang được cả nước, cả tỉnh quan tâm hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, các sở ban ngành, các đơn vị công an, quân đội đều vận động ủng hộ.

Bởi thế tất cả các xã, tùy theo điều kiện của mình, xã ven biển thì cá, mắm, xã đồng bằng thì rau quả, lương thực... mình trong một huyện mà không giúp nhau thì coi sao được".

Tôi hiểu đấy là mệnh lệnh của người đứng đầu chính quyền huyện nhưng nghe vẫn tha thiết như lời kêu gọi từ trái tim.

Mọi người mời ông ở lại ăn cơm hộp với lực lượng của xã, ông từ chối nói: "Có cơm trên xe rồi, bây giờ phải đi Phước Dinh vì đã hẹn trưa nay làm việc với Ban chỉ đạo xã".

Nói xong ông bước lên xe thông tin cổ động, vừa phát loa tuyên truyền, vừa đi về phía biển.

"Ngủ cũng chỉ ngon nửa giấc thôi!"

Chiều 14-4, khi có quyết định của chủ tịch UBND tỉnh về việc gỡ bỏ cách ly thôn Văn Lâm 3 sau 28 ngày, tôi tất tả tới trụ sở UBND xã Phước Nam đã thấy ông chủ trì họp Ban chỉ đạo huyện và xã để triển khai kế hoạch 20 giờ tối thực hiện.

Ông Lê Huyền đang chỉ đạo các bộ xã Phước Nam chăm lo đời sống vật chất cho bà con khu vực cách ly Văn Lâm 3.

Vẫn là những việc chi ly như chốt này bao nhiêu người trực, gỡ rào thì chuyển về bằng phương tiện nào? Công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nên phát nội dung gì? Rồi yêu cầu dùng loa để trên xe máy đi lưu động cho nhân dân trong khu cách ly biết để họ mừng...

Ông chia sẻ cái lo nhất lúc này là địa phương vẫn đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, không tụ tập nơi đông người nên chỉ đạo cho tất cả các lực lượng phải ra làm nhiệm vụ để tuyên truyền cho người dân biết và tuân theo.

Chỉ còn hơn 10 phút nữa các chốt cách ly được gỡ bỏ. Gặp lại ông tại chốt cách ly. Không còn thấy vẻ tất bật vội vàng như những ngày trước, cái ánh mắt lo lắng nhiều suy tư cũng đã dịu đi.

Ông ngồi trò chuyện với người dân trước chốt cách ly thư thái như người nông dân sau mùa gặt, lúa bội thu đã chở về nhà. Tôi nói vui, tối nay anh có thể ngủ ngon rồi đấy.

Ông cười rung nhẹ sau lớp khẩu trang rồi tâm sự: "Vui lắm anh ạ, nhất là trong những ngày thực hiện cách ly, chúng tôi đã chăm lo đời sống cho hơn 5.000 bà con khá là chu đáo.

Ngoài nguồn của Mặt trận hỗ trợ 200.000 đồng/khẩu, số tiền là 1 tỉ 50 triệu đồng; chúng tôi đã cấp phát nhu yếu phẩm cho 1.023 hộ dân tại thôn Văn Lâm 3 gần 33,5 tấn gạo, hơn 3.500 thùng mì tôm, 21.800 cái khẩu trang, rau củ quả các loại tới 59 tấn, ngoài ra còn đáp ứng đủ nhu cầu về nước diệt khuẩn, xà phòng, các nhu yếu phẩm khác từ sữa cho trẻ em đến chai dầu ăn, bịch muối cho người dân...

Nói vậy chứ ngủ cũng chỉ ngon nửa giấc thôi. Chúng tôi đang dồn sức chống hạn, triển khai các dự án đang thi công trên địa bàn để thu hút tạo việc làm cho người dân, rồi lo nhất là sắp đến triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, phải làm sao cho đúng đối tượng cần hỗ trợ, không được để phát sinh khiếu kiện. Làm không đúng thì người dân sẽ mất lòng tin vào chính quyền".

Đúng giờ, ông phát lệnh cho các lực lượng gỡ bỏ các rào chắn tại các chốt cách ly. Khác với nhiều người là giơ điện thoại lên quay cái khoảnh khắc ấy hoặc vỗ tay reo hò, ông thì đứng lặng im.

Người cán bộ luôn tận tụy với công việc, yêu dân

Tôi hiểu ông đang hòa vào niềm vui chung của người dân, niềm vui của một người tư lệnh chiến dịch khi giành chiến thắng trên chiến trường. Khi người dân còn đang reo hò nhảy múa, ông đã trở về cơ quan, nơi nhiều ngày qua đã thành chỗ nghỉ đêm của mình.

Ông Lê Huyền tại khu vực chốt cách ly Văn Lâm 3.

Tới khuya, ông gửi tôi một tấm ảnh trước ngõ vào tại cổng thôn Văn Lâm 3, hình ảnh hai phụ nữ dân tộc Chăm, mang hoa tặng một chiến sĩ công an đang trực chốt và nói: "Lúc đầu thật sự em không nghĩ sẽ được như hôm nay, nhiều đêm cứ nghĩ đến là lo, có đêm không ngủ được. Xem bức ảnh này thật sự mừng. Nghĩa tình quá phải không anh?".

Tôi chụp màn hình một tin nhắn của một người dân gửi cho ông: "Giờ phút này người dân Văn Lâm 3 đang có cảm giác như tết đón giao thừa. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Ninh Thuận, huyện và xã cùng mọi người đã chăm lo cho bà con những ngày cách ly".

Chắc ông sẽ xúc động nhiều lắm với tin nhắn của một người dân bình thường kia. Tôi nghĩ đấy có thể là phần thưởng lớn nhất của người cán bộ luôn tận tụy với công việc, yêu dân, lắng nghe dân, trọng dân và vì dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới