Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ khúc mắc xung quanh việc đấu giá bộ Tứ linh hội tụ.
Không ai đến nhận tứ linh
Theo ông Võ Ngọc Hà, chủ bộ tứ linh, Công ty Asean C&C biết thông tin về bảo vật này và họ chủ động liên lạc, mời ông tham gia bán đấu giá từ thiện.
Vụ “làm ăn” có sự chứng kiến của thừa phát lại Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh. “Công ty Truyền thông Asean C&C ký một hợp đồng với ông Võ Ngọc Hà. Sau đó nhận thấy hợp đồng có nhiều điểm lỏng lẻo, hai bên đã lập thêm phụ lục hợp đồng và Văn phòng thừa phát lại Bình Thạnh có lập vi bằng về việc này. Theo ký kết giữa hai bên, Asean C&C có trách nhiệm đưa bộ tứ linh ra bán đấu giá. Phía ông Hà sẽ nhận 1 triệu USD, tiền chênh lệch thì giao cho ban tổ chức để làm từ thiện.
Ngay hôm sau đêm đấu giá, ông Hà và ông Phạm Văn Đạt (người trúng đấu giá) có đến chỗ tôi. Tại buổi làm việc, ông Đạt có nói bây giờ ông ấy không có khả năng trả tiền cho bộ tứ linh và nhờ tôi tìm giải pháp. Tôi đưa ra một số lời khuyên nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận nào” - ông Hùng cho biết.
Ông Hà khẳng định: “Sau buổi đấu giá tôi không thấy ai đoái hoài gì đến báu vật. Gọi đến các đơn vị liên quan thì người ta trả lời là đang xoay tiền (!?), người nọ đùn cho người kia, có lúc chẳng ai nghe máy. Tôi đành phải chuyển bộ tứ linh đến nơi khác. Vụ việc này đã gây cho tôi thiệt hại quá lớn, tốn hàng tỉ đồng để bảo quản, bảo vệ, vận chuyển bảo vật và còn bị tổn thất về tinh thần, uy tín. Ngày mai (25-11), tôi sẽ gặp lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ TP.HCM nhằm nhờ cơ quan này đính chính những thông tin không đúng về tôi. Tôi không tự ý chuyển bộ tứ linh đi, tôi đã nỗ lực liên hệ với ban tổ chức. Việc đấu giá không thành không phải lỗi của tôi”.
Ông Đạt (bìa trái), người trúng đấu giá bộ Tứ linh hội tụ với giá 47,9 tỉ đồng nhưng giờ thì tuyên bố không mua nữa. Ảnh: HB
Còn ông Nguyễn Trung Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Truyền thông Asean C&C) thì bảo: “Theo hợp đồng ký kết với ông Hà, sau khi đấu giá thành công thì hai bên kết thúc quyền và nghĩa vụ, hợp đồng hết giá trị. Khi vụ việc không thành, tôi đã tư vấn cho ông Đạt rằng nếu không lấy bộ tứ linh thì cũng nên gửi một số tiền cho Hội Chữ thập đỏ để làm từ thiện. Sau đó, ông Đạt đã ủng hộ 1 tỉ đồng”.
“Tôi không còn ý định mua nữa”
Trong chiều qua, chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Phạm Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Bảo Long:
. Sau khi trúng đấu giá, sao ông không nhận bộ tứ linh?
+ Có đâu mà nhận. Chủ nhân bộ tứ linh đã chuyển nó đi đâu không rõ. Tôi liên lạc với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, họ cũng nói không biết.
. Chủ nhân bộ tứ linh nói rằng đã đợi hai ngày nhưng không ai đến nhận?
+ Tôi không rõ việc này. Sau buổi đấu giá thì tôi ra Bắc để chuẩn bị tiền. Hai, ba ngày sau quay lại thì không thấy có bộ tứ linh nữa.
. Ông Hà bảo rằng ông có nói ông không đủ tiền mua bộ tứ linh?
+ Ngay lúc đó làm sao tôi có tiền để trả ngay được.
. Giả sử bây giờ ông Hà chuyển bộ tứ linh đến chỗ ông thì ông có ý định mua nữa không?
+ Tôi đã cam kết với Hội Chữ thập đỏ là sẽ quyên góp 1 tỉ đồng. Tôi không còn ý định mua nó nữa.
. Xin cảm ơn ông.
74 tỉ đồng tiền đấu giá từ thiện chỉ là... lời hứa! Chiều 23-11, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và Công ty Gia Gia - đơn vị tổ chức đã có cuộc họp báo cho biết: Đến nay, chưa thu được đồng nào từ cuộc bán đấu giá bốn vật phẩm để gây quỹ cứu trợ miền Trung bị bão lũ tàn phá tại Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung tổ chức vào tối 11-11. Có ba vật phẩm được đấu giá qua điện thoại: chiếcTrống đồng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (12 tỉ đồng), bức tranh đá quý Khát vọng sống với đề tài bảo vệ môi trường có chữ ký khoảng 80 hoa hậu Thế giới (3 tỉ đồng), khối hồng ngọc bảo quốc nặng 10 kg (11 tỉ đồng). Riêng bộTứ linh hội tụ được Công ty Gốm sứ Bảo Long đấu thắng tại chỗ với giá 47,9 tỉ đồng. Sau đó, ban tổ chức liên lạc lại với người mua tranh và trống đồng thì không ai bắt máy. Công ty Bình Điền Long An được ghi nhận là đã mua khối hồng ngọc thì cho rằng có kẻ mạo danh nơi này để đấu giá. Đại diện Công ty Gốm sứ Bảo Long chỉ đồng ý đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ 1 tỉ đồng, chia làm ba lần trong vòng một năm, chứ không giao 47,9 tỉ đồng để nhận bộ Tứ linh hội tụ. Lý do phía công ty này đưa ra là chủ sở hữu bộ tứ linh đã tự ý đưa hiện vật về Lâm Đồng và còn đòi đòi phía Bảo Long giao tiền trực tiếp… Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM vào chiều 24-11, ông Đinh Gia Diên, Giám đốc Công ty Gia Gia, cho biết: “Ban đầu chúng tôi tổ chức đêm hội với tên gọi Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân 2010, với mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, quảng bá xúc tiến thương mại cho Việt Nam. Sau đó vì có bão lũ nên chúng tôi đã cùng Hội Chữ thập đỏ TP.HCM thêm vào nội dung đấu giá bảo vật với mục đích cứu trợ. Ban tổ chức, Hội Chữ thập đỏ và MC đã thống nhất không nhận đấu giá qua điện thoại, chỉ nhận đóng góp tiền qua điện thoại. Nhưng đến khi diễn ra chương trình, MC “nhảy múa” dữ quá, đang truyền hình trực tiếp, chúng tôi không thể nào kiểm soát được”. Ông Diên cũng cho biết hiện Gia Gia đã chuyển mọi thông tin cho cơ quan công an để điều tra vụ việc. “Nếu công an không điều tra giải quyết được thì đành chịu” - ông Diên nói. HÒA BÌNH |
“Đấu giá ảo” vì không có gì ràng buộc Xảy ra sự cố đáng tiếc này là do ban tổ chức không có biện pháp ràng buộc đối với những người tham gia đấu giá. Họ thoải mái đưa giá qua điện thoại di động vì không ai xác định được danh tính của họ. Hơn nữa, nếu có xác định được danh tính, địa chỉ thì cũng… không làm gì được họ. Chỉ có một biện pháp duy nhất để hạn chế tình trạng đấu giá như trên là người tham gia đấu giá phải có đơn đăng ký và nộp một khoản tiền đặt trước theo quy định của pháp luật. Tiền đặt trước này tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Nếu trong quá trình đấu giá, họ rút lại giá đã trả hoặc đấu giá thắng mà từ chối mua tài sản thì họ bị mất khoản tiền đặt trước. Hiện nay Nghị định 17/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản chỉ áp dụng bắt buộc đối với một số loại tài sản: tài sản để thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản nhà nước… Riêng đối với trường hợp cá nhân, tổ chức muốn bán đấu giá tài sản của mình thì pháp luật không bắt buộc nhưng họ vẫn có thể lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để đảm bảo tính chính xác về kết quả và sự chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục. Qua sự kiện “đấu giá ảo” trên, tôi cho rằng đối với những tài sản có giá trị lớn thì chủ sở hữu tài sản nên chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tránh rủi ro. Ông PHẠM VĂN SỸ, |
ÁI PHƯƠNG