Từ mức phạt cao mới hiểu đúng về việc rẽ phải khi đèn đỏ

(PLO)- Cơ quan chức năng cho rằng quy định cấm rẽ phải khi đèn đỏ đã có từ lâu và tùy địa bàn có thể đề xuất gắn thêm biển phụ để giảm ùn ứ.

Từ thời điểm Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực, nhiều người dân khi tham gia giao thông đã từ bỏ thói quen rẽ phải khi gặp đèn đỏ.

Chờ 4-5 đèn đỏ mới được rẽ phải

Theo ghi nhận của PV, tại các giao lộ khi đèn đỏ, người đi thẳng hay rẽ phải đều dừng trước vạch dừng và không còn tham gia giao thông theo thói quen như trước đây.

Người dân tuân thủ dừng trước vạch dừng khi gặp đèn đỏ. Ảnh: THẢO HIỀN

Anh Lâm Minh Hiệp (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết trước đây từ nhà lên cơ quan anh chỉ mất thời gian di chuyển khoảng 30 phút, nhưng từ khi không rẽ phải khi đèn đỏ nữa thì mất 45 phút vì bị ùn ứ xe.

“Đoạn ngã ba Phan Văn Hớn và Trường Chinh, bình thường mọi người hay rẽ phải để lên cầu Tham Lương nhưng đến nay nhiều người không còn dám rẽ phải để lưu thông khi đèn đỏ nữa. Vì vậy có những lần di chuyển phải chờ 4-5 lượt đèn đỏ chuyển sang xanh mới được rẽ phải nên mất thời gian chờ đợi lâu hơn trước đây”- anh Hiệp cho hay.

Theo anh Hiệp, trước đây có thời điểm có cảnh sát giao thông túc trực ở ngã ba này thì người dân vẫn rẽ phải nhưng sau khi các quy định mới có hiệu lực, thì nhiều người sợ bị “phạt nguội” nên không còn dám rẽ phải nữa.

Tương tự như vậy anh Hồ Minh (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) dù biết về luật là chỉ được rẽ phải tại nơi có biển phụ với nội dung “Xe máy được phép rẽ phải khi đèn đỏ” mới được rẽ nhưng tại TP.HCM từ trước đến nay đều có thói quen rẽ phải khi gặp đèn đỏ.

“Những lúc cao điểm người tham gia giao thông nhiều thì sẽ dễ bị ùn tắc nếu không được rẽ phải khi đèn đỏ. Tôi nghĩ cần có giải pháp phù hợp với những khu vực bị ùn tắc khi cấm rẽ phải khi đèn đỏ”- anh Minh nhận định.

Cần nghiên cứu mới lắp đặt biển báo phụ

Trao đổi với pv PLO, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP.HCM cho biết cấm rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ không có các biển báo hay đèn tín hiệu cho phép rẽ phải không phải là quy định mới. Đây là quy định từ trước đến nay (từ Luật Giao thông đường bộ 2008), người tham gia giao thông phải dừng xe trước đèn tín hiệu chuyển sang đỏ, ai có giấy phép lái xe đều được học quy định này.

Trước đây do mật độ giao thông tại TP.HCM đông, các lực lượng chức năng ít xử phạt lỗi này và mức xử phạt không cao nên nhiều người dân nghĩ rằng được rẽ phải khi đèn đỏ. Nhưng thực tế là luật không cho phép, luật mới và luật cũ đều vậy.

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP.HCM

Quy định không được rẽ phải khi đèn đỏ đã có từ rất lâu. Ảnh: THẢO HIỀN

Theo ông Phúc, cơ quan chức năng tổ chức giao thông đặt đèn tín hiệu nhằm mục đích an toàn giao thông cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác trong đó có người yếu thế (người bộ hành).

"Theo đó, khi dòng phương tiện gặp đèn đỏ phải dừng lại trước vạch dừng, thì đèn dành cho người đi bộ chuyển sang xanh để người đi bộ đi. Nếu xe được rẽ phải thì sẽ xảy ra xung đột giao thông và gây nguy hiểm, nguy cơ tiềm ẩn cho người đi bộ. Đồng thời việc này cũng tạo xung đột giao thông với loại phương tiện được phép giao thông khi đèn xanh", ông Phúc phân tích.

Tham gia giao thông mà đặc biệt là thành phố lớn như TPHCM thì việc ùn ứ giao thông là chuyện bình thường, thay vì người dân chạy theo thói quen trước đây thì đây cũng là thời điểm để thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân, ông Phúc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một vị Cảnh sát Giao thông tại TP.HCM cho biết theo luật thì khi đèn đỏ, tất cả các xe đều phải dừng lại, đèn xanh mới được lưu thông, nhưng người dân ở TP.HCM có thói quen thường xuyên rẽ phải khi đèn đỏ và trước đây lực lượng chức năng cũng ít khi xử phạt lỗi này.

“Như TP Hà Nội và các tỉnh khác đã xử phạt nhiều lỗi này. Luật thì chỉ có một luật thôi, không thể cứ theo thói quen để thực hiện hành vi như trước đây", vị Cảnh sát Giao thông trên cho hay.

Cũng theo Cảnh sát Giao thông này, sau khi Luật Trật tự an toàn, giao thông và Nghị định 168/2024 có hiệu lực, người dân cũng được tuyên truyền và sợ lỗi vượt đèn đỏ, do đó, tình trạng rẽ phải khi đèn đỏ không còn như trước nữa.

“Nhiều giao lộ tại TP.HCM được trang bị biển báo phụ, đèn báo phụ (mũi tên màu xanh hoặc biểu tượng xe máy màu xanh) để cho cả người dân và du khách quốc tế hiểu được biển báo này và được phép rẽ phải khi đèn đỏ tại giao lộ được đặt biển này”- vị này chia sẻ thêm.

Cũng theo vị vị Cảnh sát Giao thông, công tác tổ chức giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu, biển báo giao thông có những tuyến đường lớn là do Sở GTVT TP.HCM quản lý, khi gắn biển báo thì cơ quan chức năng họp và Sở GTVT thông qua mới được gắn biển báo.

Một số tuyến đường được Sở GTVT giao về cho địa phương quản lý, thì những đường này do phòng Quản lý đô thị của quận quản lý. Riêng TP Thủ Đức thì giao về cho Phòng Giao thông công chính quản lý. Đồng thời, một số biển báo, hệ thống tại các giao lộ sẽ do chủ đầu tư quản lý.

“Nếu vì nguyên nhân không được rẽ phải khi đèn đỏ dẫn đến ùn xe, đơn vị chức năng gồm cơ quan CSGT và Ban An toàn giao thông của địa phương đó sẽ nghiên cứu và đề xuất. Khi xác định được cho rẽ phải thì xe giải thoát nhanh hơn và không còn tình trạng ùn xe nữa thì đơn vị đó kiến nghị đề gắn thêm đèn hoặc biển báo phụ”- vị đại diện này nói thêm.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1.

Trong đó, tại điểm c, Khoản 7, Điều 7 quy định: “Điều 7. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".

Do đó, để triển khai thực hiện công tác tổ chức giao thông phù hợp, tạo điều kiện cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy lưu thông tuân thủ theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Sở GTVT giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tất cả các giao lộ trên địa bàn TP.

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết trước đến nay Công an TP.HCM và Sở GTVT TP có phối hợp để lắp đặt biển báo cho phép xe 2 bánh rẽ phải ở một số vị trí cần thiết (không phải tất cả). Theo đó, chỉ những vị trí có biển báo cho phép rẽ phải các phương tiện mới được phép rẽ phải.

Từ ngày 1-1, Nghị định số 168/2024 có hiệu lực, với mức phạt mới, Trung tâm đang tiến hành rà soát tất cả các nút giao ở TP.HCM, tiến hành lắp đặt đèn tín hiệu bảng led để hướng dẫn các phương tiện lưu thông hợp lý hơn.

ĐÀO TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới