Trong thực tiễn xét xử, các vụ án mà tòa án đưa ra xét xử lưu động thường là vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy…
Việc xét xử lưu động đã đạt được nhiều hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xét xử lưu động cũng để lại nhiều hệ lụy không tốt như tâm lý của gia đình bị cáo bị ảnh hưởng trong khi họ không có tội nhưng phải chịu những ánh nhìn không thiện cảm, bị mọi người xa lánh đánh đồng họ cũng như người phạm tội.
Hàng ngàn người dân tới theo dõi một phiên xử lưu động ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.GIANG
Bị cáo khi bị đưa ra xét xử lưu động thường có tâm lý mặc cảm, xấu hổ rất khó để hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành xong án tù. Cũng có không ít trường hợp con của bị cáo phải nghỉ học, lập nghiệp ở một nơi khác vì không chịu được dư luận xã hội khi cha, mẹ bị kết án.
Bên cạnh đó, việc xét xử lưu động gây không ít tốn kém chi phí tổ chức phiên tòa lưu động mà hiệu quả tuyên truyền lại không đạt được kết quả cao khi mà ngày nay, mạng Internet đã phổ biến rộng rãi. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật có thể bằng các cách thức khác như qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật...