Sở tài chính TP.HCM vừa có cuộc họp với doanh nghiệp bình ổn thị trường. Trước đó, một số doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn thị trường đề nghị xin tăng giá thịt gia súc 2%-3%, thịt gia cầm 6%-12%, trứng gia cầm tăng 6%-8%.
Theo các DN, trước tác động giá xăng dầu tăng liên tục, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao từ cuối năm ngoái nhưng nhằm chia sẻ với người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên DN vẫn giữ giá ổn định. Tuy nhiên, hiện nay chi phí đầu vào của các DN bình ổn tăng 20%-30%.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, mặt hàng trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường của công ty được Sở tài chính duyệt mức giá mới.
Theo đó từ ngày 1-4, trứng gà từ 28.000 đồng tăng lên 29.500 đồng/10 quả; trứng vịt từ 33.000 đồng/10 quả tăng lên 35.000 đồng/10 quả.
Theo ông Thiện, công ty chỉ đang xin đề nghị tăng giá hàng bình ổn dưới 10% trong khi giá nguyên liệu chi phí đầu vào đang tăng 10%-30% và một số nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng.
Công ty Vissan vẫn giữ giá thịt heo bình ổn. ẢNH: TÚ UYÊN
Tương tự, đại diện công ty San Hà chuyên sản xuất kinh doanh gia cầm cho biết, trước tình hình giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao nên công ty đề nghị xem xét điều chỉnh hàng bình ổn tăng 5%-10% và đã được duyệt.
Giá các mặt hàng bình ổn sẽ áp dụng từ ngày 1-4. Đồng thời, đây cũng là mức giá công ty đăng kí tham gia chương trình bình ổn năm 2022.
Theo đó, gà công nghiệp bình ổn 40.000 đồng lên 45.000 đồng/kg, gà thả vườn 59.000 đồng/kg lên 67.000 đồng/kg. Gà ta 84.000 đồng/kg, lên 92.500 đồng/kg, vịt 62.000 đồng/kg lên 68.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp 46.000 đồng/kg lên 48.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, hiện nay nguyên vật liệu chi phí đầu vào tăng cao như heo hơi tăng 10%, thức ăn chăn nuôi tăng 25%, xăng dầu tăng 40%...Tuy nhiên sức mua yếu, chia sẻ với người tiêu dùng và chấp nhận giảm lợi nhuận nên thịt gia súc tham gia bình ổn thị trường công ty vẫn giữ giá.
Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, cơ chế điều chỉnh giá của DN tham gia bình ổn thị trường năm 2021 là khi giá đầu vào tăng 5% các đơn vị được quyền đăng ký điều chỉnh giá với Sở Tài chính. Nếu chứng minh được sự tăng giá đầu vào sẽ cho điều chỉnh.
Trường hợp thị trường biến động liên tục và biến động mạnh, chỉ cần chứng minh chi phí đầu vào tăng 2%- 5% có thể đăng ký điều chỉnh giá.
Theo ông Phương, tháng 4 cũng là thời điểm Thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2022, việc điều chỉnh giá sẽ do Sở Tài chính chịu trách nhiệm.
Cơ quan này sẽ tổ chức cho các DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, trong đó sẽ đăng ký mặt hàng và đăng ký giá mới. Về cơ chế điều chỉnh giá kế hoạch năm 2022 sẽ do UBND TP.HCM công bố vào đầu tháng 4.