Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019 về họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là hụi) quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hụi, các điều kiện chơi, văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên... Nghị định này thay thế Nghị định 144/2006 và có hiệu lực từ ngày 5-4.
Vì thế, kể từ ngày 5-4 này, người chơi hụi cần lưu ý một số điểm sau:
- Về thành viên tham gia dây hụi phải từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Điều kiện làm chủ hụi phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Người dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) kể về việc bị chủ hụi giật tiền. Ảnh: H.NHUNG
- Mở dây hụi phải được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định nêu trên.
- Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi đối với dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
- Về phần lãi suất, đối với những dây hụi có lãi thì phần lãi suất do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Tuy nhiên, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.