Từ Nghị định 168 đến cách làm thực tiễn để cải thiện giao thông

(PLO)- Nghị định 168 có hiệu lực đã góp phần thay đổi hoạt động tham gia giao thông của đông đảo người dân. 

Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là Nghị định 168) đang tác động khá lớn đến tình hình giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là người dân điều chỉnh hành vi lưu thông rõ rệt để tránh bị phạt do mức phạt trong quy định mới khá cao.

Tuy nhiên, nhiều người đang hiểu lầm và cho rằng Nghị định 168 là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên hơn trong những ngày gần đây. TS Nguyễn Đức Quyền, Chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhận định các cơ quan có thẩm quyền và người dân cần có cái nhìn toàn diện và đa chiều hơn, tìm ra những giải pháp phù hợp về lâu dài để cải thiện tình hình giao thông tại các đô thị.

Hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu

. Phóng viên: Thưa ông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một đô thị đông dân như TP.HCM không phải là chuyện lạ song đây có phải là lúc chúng ta cần đánh giá lại nguyên nhân chính?

TS Nguyễn Đức Quyền, Chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM

+ TS Nguyễn Đức Quyền: Tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các đô thị lớn, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường là do sự gia tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Mạng lưới đường sá còn hạn chế, nhiều tuyến đường quá tải, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ mà đơn giản và rõ nhất là hệ thống đèn giao thông.

Việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường thường chậm so với tốc độ đô thị hóa, dẫn đến tình trạng “chạy theo” nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, quy hoạch và quản lý giao thông chưa hợp lý. Việc phân luồng giao thông, điều khiển tín hiệu đèn giao thông chưa được tối ưu hóa; có những địa điểm đèn đỏ giao thông từ hơn 60 giây đến trên 100 giây, trong khi đèn xanh chỉ từ 20 đến 35 giây đã dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ tại nhiều nút giao.

Người đi xe máy dừng lại đúng vạch chờ đèn tín hiệu giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tôi cho rằng để đảm bảo dòng lưu thông ổn định và hạn chế ùn tắc, việc điều chỉnh thời gian đèn đỏ và đèn xanh cần tuân thủ nguyên tắc cân bằng. Cụ thể, tại các giao lộ thông thường, thời gian đèn đỏ và đèn xanh nên tương đương nhau, dao động trong khoảng 30-45 giây. Riêng các nút giao có mật độ giao thông cao, thời gian đèn đỏ có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 60 giây và thời gian đèn xanh cũng tương ứng. Việc cân bằng này giúp đảm bảo luồng xe qua lại được phân phối hợp lý, tránh tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Tăng cường thực thi pháp luật

. Vậy ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta cần có những giải pháp nào, thưa ông?

+ Chúng ta thường cho rằng ùn tắc giao thông chủ yếu là do sự gia tăng của phương tiện cá nhân và ý thức của người dân nhưng ít ai để ý đến vai trò không nhỏ của khu vực công trong việc phải giải quyết các tình huống này.

Sự kết hợp giữa việc tăng cường thực thi pháp luật, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng và đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân về văn hóa giao thông đều là các giải pháp vĩ mô đáng để xem xét, bàn luận.

Ngoài ra, hiện vẫn có một số trường hợp CSGT xử lý và thu tiền phạt tại chỗ các lỗi vi phạm giao thông. Theo tôi, nên để CSGT chuyên trách vào nhiệm vụ chính là điều tiết giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên đường; kiểm tra, xử lý vi phạm, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông; lập biên bản ghi nhận các hành vi vi phạm và thông báo cho người vi phạm về quyết định xử phạt. Việc thu, nộp tiền phạt sẽ hoàn toàn do các cơ quan có thẩm quyền như Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng được ủy nhiệm thực hiện.

Nghiên cứu biển báo điện tử

. Còn giải pháp tối ưu hóa thời gian đèn tín hiệu giao thông liệu có giảm được ùn tắc?

+ Tôi cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi nếu để đèn đỏ quá lâu không chỉ gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ mà còn làm giảm hiệu quả của toàn bộ hệ thống giao thông. Đặc biệt tại các tuyến đường nhỏ, các nút giao phức tạp hoặc khu vực có mật độ giao thông cao, việc kéo dài thời gian đèn đỏ trên hai phút là không phù hợp.

Người đi xe máy dừng lại đúng vạch chờ đèn tín hiệu giao thông trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nguyên nhân của vấn đề này thường do thiết kế và vận hành hệ thống đèn tín hiệu chưa linh hoạt. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng lực lượng chức năng cần điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông một cách linh hoạt và điều chỉnh đèn đỏ dựa trên lưu lượng giao thông thực tế.

Để tối ưu hóa luồng giao thông, cần hạn chế phương tiện quay đầu xe trái phép tại các nút giao để giảm áp lực lên hệ thống đèn tín hiệu; áp dụng các công nghệ hiện đại như cảm biến, camera để thu thập dữ liệu về lưu lượng giao thông, từ đó đưa ra các quyết định điều khiển giao thông chính xác hơn.

Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống biển báo thông minh và phù hợp là yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu quả điều tiết giao thông. Đơn cử như biển báo cho phép rẽ phải khi đèn đỏ được lắp đặt tại những vị trí phù hợp, đảm bảo an toàn sẽ không gây ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông tổng thể.

Sau khi Nghị định 168 được ban hành, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã cho lắp 239 bộ đèn cho phép xe máy rẽ phải trên địa bàn TP. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chưa kể, phải có biển báo ưu tiên cho các phương tiện đặc biệt như xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe công vụ… tại các vị trí quan trọng như bệnh viện, trạm cứu hỏa, cơ quan nhà nước... để giúp giảm thiểu thời gian di chuyển của các phương tiện này, góp phần cứu người và tài sản hiệu quả hơn.

Tôi gợi ý thêm hệ thống biển báo điện tử có thể giúp điều chỉnh thông tin giao thông một cách linh hoạt, kịp thời đáp ứng các tình huống phát sinh. Ví dụ, khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố, hệ thống biển báo điện tử có thể tự động điều chỉnh để hướng dẫn người tham gia giao thông đi theo tuyến đường khác, tránh ùn tắc.

. Xin cảm ơn ông.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo TS Nguyễn Đức Quyền, việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Từ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông như mở rộng các tuyến đường, xây dựng cầu vượt, hầm chui đến khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và áp dụng công nghệ thông minh để quản lý giao thông.

Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người dân về văn hóa giao thông cũng đóng vai trò quan trọng. Chỉ khi có sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả và bền vững.

Việc thực hiện các giải pháp này đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính, thời gian và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân. Chỉ khi có sự quyết tâm cao và những hành động cụ thể, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới