Từ TP.HCM, Bình Thuận về Đồng Nai để hủy thẻ

(PLO)- Anh Nguyễn Hơn (ngụ TP.HCM) đi đăng ký dán thẻ thu phí không dừng (ETC) thì phát hiện mình đã được kích hoạt thẻ ePass.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Đâm lao theo lao”, anh quyết định sử dụng thẻ ePass thì được nhân viên hướng dẫn về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc tỉnh Đồng Nai để dán. Quá bức xúc, anh Hơn đề nghị hủy thì cũng được nhân viên hẹn về các địa điểm trên để hủy.

Tương tự, anh Trần Hải (ngụ TP.HCM) cho biết đến hạn chót đi đăng ký dán thẻ ETC thì anh được báo xe được kích hoạt từ lâu dù chưa từng đăng ký dịch vụ này. Cuối cùng nhân viên bên ePass hẹn anh xuống Đồng Nai để hủy nhưng dù đã đi hai lần, anh vẫn chưa giải quyết được. “Có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh như tôi, xe bị kích hoạt từ lâu nhưng không có thẻ. Bây giờ khách muốn dán hay hủy cũng phải về Đồng Nai là nơi gần nhất. Khi tôi về Trảng Bom mới biết rất nhiều người ở Bình Thuận cũng lặn lội về đây để hủy”- anh Hải chia sẻ.

ThS - luật sư Trần Hoàng Hải Phong, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết đầu tiên cần phải xác định việc để xảy ra tình trạng rất nhiều chủ xe phản ánh khi đi dán thẻ ETC mới phát hiện xe đã đăng ký tài khoản ePass bởi một người lạ. Đây là lỗi của đơn vị chủ quản trong việc vận hành hệ thống và quản lý nhân viên.

Trong trường hợp đơn vị chủ quản của ePass không có phương án xử lý kịp thời gây phiền hà, mất thời gian, tiền bạc của chủ phương tiện thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đơn vị chủ quản phải có phương án xử lý kịp thời và hợp tình, hợp lý, chứ không thể yêu cầu chủ xe phải đến văn phòng đại diện (ở các tỉnh khác). Đồng thời không thể yêu cầu xuất trình giấy tờ và thực hiện hàng loạt thủ tục khác mới được hủy.

Thứ hai, theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ là đối tượng được pháp luật bảo vệ về thông tin cá nhân. Việc tự ý sử dụng biển số xe của người khác để đăng ký tài khoản giả là hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về các hành vi bị cấm của người kinh doanh dịch vụ là quấy rối khách hàng. Việc nhiều chủ phương tiện bị tạo tài khoản giả mạo, sau đó phải bỏ công sức, tiền bạc và thời gian để giải quyết gây nhiều khó khăn trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Trong trường hợp này, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ ba, hành vi tự ý kích hoạt tài khoản giả, sau đó gây nhiều khó khăn cho chủ phương tiện trong việc hủy tài khoản dẫn đến chủ phương tiện phải chấp nhận sử dụng thẻ ePass có thể được xem là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm