Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: Giúp cán bộ sửa chữa sai lầm

(PLO)- Phải nêu rõ những ưu điểm, thành công của cán bộ. Làm như thế không phải để cho họ kiêu căng, mà cốt là làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, theo GS-TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng Việt Nam nhất định sẽ thành công nếu Đảng trong sạch, vững mạnh, nhân dân đoàn kết mà đặc biệt khi có được đội ngũ cán bộ tốt.

GS-TS Mạch Quang Thắng

GS-TS Mạch Quang Thắng

Thành công hay thất bại đều do cán bộ

. Phóng viên: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ. Điều này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

+ GS-TS Mạch Quang Thắng: Điều đó được thể hiện từ rất sớm và rất rõ trong cuốn Đường Kách mệnh và đặc biệt là tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (viết vào tháng 10-1947). Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người đã nhấn mạnh vào một vấn đề then chốt nhất trong việc xây dựng hệ thống chính trị của chế độ mới - đó là vấn đề Đảng cầm quyền. Một trong những điều thể hiện cái quyền Đảng cầm là nắm chắc vấn đề cán bộ.

. Nhưng cán bộ cũng phải có những yêu cầu, tiêu chuẩn phù hợp?

+ Yêu cầu, tiêu chuẩn tổng quát nhất đối với một cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cặp chỉnh thể đức - tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài: Nếu có tài mà không có đức thì làm hỏng việc; nếu có đức mà không có tài thì như ông bụt ngồi đó mà không giúp ích gì được cho cuộc sống. Người khẳng định cách mạng Việt Nam nhất định sẽ thành công nếu Đảng trong sạch, vững mạnh, nhân dân đoàn kết mà đặc biệt là có được đội ngũ cán bộ tốt.

. Ngoài những điều ông vừa đề cập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đề cao sự gương mẫu của cán bộ trong bộ máy?

Quy trình làm công tác cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ cấp chiến lược của Hồ Chí Minh rất khác so với hiện nay. Nhưng cái lý thú nhất ở chỗ tuyệt đại đa số cho ra đáp số đúng.

GS-TS MẠCH QUANG THẮNG

+ Đúng vậy, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cán bộ các cấp, các ngành, trước hết là các cán bộ thuộc ngành hành pháp và tư pháp, phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật. Bác viết thư cho cán bộ ngành tư pháp: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Bác là một tấm gương sáng về sống và làm việc theo pháp luật, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật. Điều này đã trở thành lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không một chút nào gượng ép. Người lưu ý phải làm sao tránh cho được bốn biểu hiện hiện nay của nhiều cán bộ trong nói - làm.

. Ông có thể điểm lại bốn biểu hiện đó?

+ Đó là: Nói nhiều nhưng làm ít, nói hay nhưng làm dở, nói mà không làm, nói một đằng nhưng làm một nẻo. Đó là những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét, ghét nhất là ba hoa, rỗng tuếch, những người hay lộng quyền. Người chỉ rõ: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách…, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”. Vì vậy, phải chống “giặc nội xâm” với bộ ba: Tham ô, lãng phí, quan liêu. Những người “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”.

. Phải làm thế nào để kiểm soát cán bộ, thưa ông?

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc phải huy động các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ. Phải luôn chú ý bồi dưỡng cán bộ, phòng và chống những tiêu cực có thể nảy sinh sau khi được đề bạt, bổ nhiệm.

Xử lý kỷ luật thật nghiêm, đúng điều lệ Đảng và đúng pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ hủ bại, hư hỏng để làm trong sạch hệ thống chính trị, vừa giáo dục chung vừa răn đe, ngăn ngừa những cán bộ chưa vi phạm. Tất cả cán bộ, không sót một cán bộ nào kể cả cán bộ cao cấp, đều phải được đặt trong tầm kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất vào ngày 25-1-1961. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất vào ngày 25-1-1961. Ảnh: Tư liệu

Chỉ sợ cán bộ không biết sửa sai

. Nhưng nếu cán bộ làm sai thì sao?

+ Đối với những cán bộ có sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”.

. Chúng ta có cán bộ nhưng còn phải có cơ chế sử dụng cán bộ phù hợp. Tư tưởng của Người về điều này thể hiện như thế nào, thưa ông?

+ Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác cán bộ mang tính hệ trọng, cần được tiến hành cẩn thận, có hiệu quả, minh bạch, dân chủ, đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, có tám điểm. Trong đó, Người cho rằng: “Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc”. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, thành công của họ. Làm như thế không phải để cho họ kiêu căng, mà cốt là làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen họ, ta phải cho họ hiểu rằng: “Năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm