Nhiều người lo lắng vì trong trường hợp bất đắc dĩ, buộc phải nhảy hoặc đu dây xuống thì phải làm sao cho an toàn?
Đu dây sao cho an toàn?
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến (Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cảnh sát PCCC TP.HCM) nhấn mạnh sự bình tĩnh là yếu tố quan trọng hàng đầu để thoát nạn.
Nhiều người dân chung cư Carina thoát nạn nhờ ở trong nhà, không đu dây, nhảy. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Phải quan sát trước khi quyết định đu dây hoặc nhảy xuống đất. Như vụ cháy vừa rồi, cháy tầng hầm mà rất nhiều người ở tầng 12 chết. Trong 13 nạn nhân tử vong có hai người do nhảy, leo xuống. Trong khi những người quyết định ở trong nhà thì lại thoát nạn.
Không chỉ vụ cháy tại chung cư Carina mà nhiều vụ cháy trước đó, người già phải ngồi xe lăn ở lại thì không sao, người trẻ khỏe mạnh nhảy hoặc leo xuống vì sự cố: trượt tay, độ cao… lại chết.
“Nếu phát hiện cửa sổ hướng không cháy ở vị trí thấp, có thể đu dây hoặc nhảy xuống được thì trước khi nhảy hãy vứt chăn, gối, nệm xuống trước để đỡ khi bạn xuống, tìm cách bám vào những cấu kiện xây dựng để leo xuống vị trí càng thấp càng tốt và để chân tiếp đất xuống trước. Thực tế, có trường hợp nhảy từ độ cao khoảng 4-5 m bị chấn thương nặng, trượt tay… và tử vong do không biết cách.
Người dân nên trang bị dây thừng chuyên dụng, hoặc trường hợp bất đắc dĩ có thể nối chăn mền lại với nhau… một đầu buộc chặt cố định và từ từ tuột xuống đất.
Một lưu ý cần phải nhớ là kiểm tra chất lượng dây thừng trước khi sử dụng. Nếu dây thừng bị dão, bị mủn do thời gian, chất lượng kém thì phải thận trọng vì chưa chết vì cháy đã chết vì nhảy liều rồi!” - Trung tá Huỳnh Quang Tuyến chia sẻ.
Nếu thấy có cửa sổ nhưng vì vị trí cao, không thể đu dây, nhảy, leo xuống thì mở cửa ra để thoát khói, khí độc đồng thời la lớn, ra hiệu kêu cứu.
Không phải cứ cháy là đu dây, nhảy
Ông Tuyến khẳng định nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn thường không chết vì cháy mà chết vì bị ngạt khí. Bởi vậy, một trong những việc quan trọng đầu tiên phải làm là mang mặt nạ phòng độc. “Người dân có thể dùng khăn, áo, thậm chí là áo lót thấm ướt tự tạo mặt nạ phòng độc để tạm thời đợi lực lượng PCCC tới”.
Nước mắt rơi trong tang lễ nữ chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình. Ảnh: HL
Trung tá Lê Mạnh Hà (Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ) chia sẻ: Trong trường hợp không còn lối thoát nào khác, phải đu dây nhảy từ ban công xuống thì phải quan sát xem có vật nhọn, nguy hiểm gì ở dưới hay không, tiếp đất ở vị trí nào thì an toàn.
Ông đặt giả thiết: Nếu ban công cách mặt đất tầm 3,5 m, người cao 1,5 m giơ tay thẳng lên cao tầm 2 m, nghĩa là chỉ còn cách mặt đất tầm 1,5 m, giữ được bình tĩnh sẽ biết bám vào cấu kiện xung quanh để thả người xuống thì sẽ không bị thương nặng.
“Trừ khi không có vật bám và lửa đã bén tới nơi, còn không, tuyệt đối không được nhảy xuống quá gấp gáp, đầu tiếp đất trước rất nguy hiểm” - Trung tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Còn người là còn tài sản Rất nhiều trường hợp, vì quay vào lại lấy tài sản mà thiệt mạng. Câu chuyện về cái chết thương tâm của nữ Việt kiều đầu năm 2013 vẫn khiến ông ám ảnh. “Vụ cháy xảy ra trên tầng lầu, cả nhà đang ăn cơm ở tầng trệt. Ngay khi phát hiện ra cháy, cả nhà đã chạy thoát ra được rồi nhưng bà ấy chợt nhớ còn giấy tờ, hộ chiếu trong nhà nên lại lao vào đám cháy mong lấy lại. Cuối cùng, bà bị ngạt khói và thiệt mạng. Nên nhớ: Còn người là còn tài sản. Con người có thể làm ra tài sản nhưng bao nhiêu tài sản cũng không thể lấy lại mạng sống con người”. Trung tá HUỲNH QUANG TUYẾN, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cảnh sát PCCC TP.HCM |