Từ vụ Facebook cấm người Úc: Nhà kinh doanh Việt cần làm gì?

Facebook là một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất hiện nay với gần 2,8 tỉ người dùng hàng tháng... Theo thống kê của Statista, Việt Nam đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các quốc gia có lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới (68 triệu người).

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình, điều này mang lại hiệu quả nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều rủi ro khi phụ thuộc vào một mạng xã hội

Mới đây (ngày 18-2), Facebook đã cấm các trang tin tức tại Úc đăng tải và chia sẻ nội dung. Động thái này nhằm phản đối dự luật News Media Bargaining Code (tạm dịch Bộ luật Thương lượng Truyền thông Tin tức), buộc các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google… phải trả tiền cho các nhà xuất bản khi sử dụng tin tức trên nền tảng của mình, bao gồm cả trong kết quả tìm kiếm.

Lệnh cấm của Facebook đã lập tức ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, nhà kinh doanh… trên nền tảng này tại Úc và đối tác. Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng các nhà kinh doanh nên có phương án dự phòng.

the-age-uc

Toàn bộ bài viết trên các trang tin tức của Úc đã biến mất. Ảnh: MINH HOÀNG

Bởi có thể thấy đa số các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng mạng xã hội như một kênh tiếp thị sản phẩm và mở rộng lượng khách hàng. Tuy nhiên, việc lệ thuộc quá nhiều vào một nền tảng mạng xã hội thường sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Theo ông Văn Đức Sơn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông APPNET: Thống kê cho thấy những thông tin trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và quyết định mua hàng. Vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu hay bán hàng là cực kỳ cần thiết.

Thậm chí đối với một số ngành nghề, nếu không sử dụng Internet, mạng xã hội thì khó có thể tồn tại được. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội sẽ gặp không ít rủi ro.

“Khi sử dụng mạng xã hội nào, người dùng cũng như doanh nghiệp phải tuân thủ chính sách của mạng xã hội đó, vì vậy có thể sẽ gặp một số rủi ro như bị khóa trang, khóa tài khoản quảng cáo. Chưa nói đến thuật toán phân phối nội dung và quảng cáo thay đổi liên tục, nên nếu doanh nghiệp không liên tục cập nhật sẽ khó duy trì được hiệu quả quảng cáo”- ông Hà chia sẻ.

Cùng ý kiến, ông Chu Võ Kim Long, Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông Minara cho biết: “Hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính cá nhân có kết nối Internet, bất kì cá nhân hay doanh nghiệp đều có thể tham gia vào mạng xã hội, quảng bá và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.

Khi tham gia mạng xã hội, doanh nghiệp sẽ phải đồng ý chia sẻ dữ liệu, thông tin về khách hàng cho các công ty sở hữu chính những trang mạng xã hội này. Các công ty quảng cáo có thể dựa trên dữ kiện doanh nghiệp đã chia sẻ để khai thác truyền thông quảng cáo cho những công ty đối thủ. 

Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể gặp rủi ro về việc bị chơi xấu thông qua việc giả Fanpage cung cấp hàng kém chất lượng, lừa đảo hoặc đưa các thông tin tiêu cực để triệt hạ đối thủ”.

“Doanh nghiệp khi tham gia mạng xã hội phải chấp nhận các điều khoản, luật chơi của chính mạng xã hội đã đưa ra. Vì vậy, khi đầu tư quá nhiều ngân sách truyền thông vào một mạng xã hội nào đó, doanh nghiệp có thể gặp rủi trong việc bị khóa tài khoản quảng cáo, xóa trang… Việc lấy lại quyền sở hữu như ban đầu là cực kì khó khăn, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp”- ông Long nói.

Xây dựng hệ thống đa kênh, hỗ trợ phát triển

Việc quá phụ thuộc vào một mạng xã hội sẽ khiến doanh nghiệp và các tổ chức dễ rơi vào thế bị động khi có sự cố xảy ra. Làm thế nào để hạn chế rủi ro khi mở rộng kinh doanh trên Internet?

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Giảng viên Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic (ngành Thương mại điện tử), cho biết: “Việc doanh nghiệp sử dụng một tài khoản để kinh doanh, chạy quảng cáo trên Facebook thường rất rủi ro, bởi trong trường hợp xảy ra sự cố, doanh nghiệp sẽ không có giải pháp thay thế kịp thời”.

“Để hạn chế vấn đề trên, doanh nghiệp nên phát triển 2-3 trang dự phòng và các kênh bổ trợ như Google, Instagram, TikTok, Zalo… Ban đầu có thể dùng Facebook, tuy nhiên, sau khi phát triển ổn định, doanh nghiệp nên sử dụng Facebook để “kéo” các kênh khác.

Tại Việt Nam có rất nhiều nền tảng quảng cáo khác nhau, các doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật và tìm ra giải pháp kinh doanh phù hợp, không nên quá tập trung vào Facebook, Google. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên xây dựng app (ứng dụng) riêng để thu hút khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi”, anh chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp nên phát triển đa kênh để tránh bị ảnh hưởng khi Facebook gặp sự cố. Ảnh: MINH HOÀNG

Tương tự, anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết: “Doanh nghiệp nên đầu tư nhiều kênh để giảm thiểu rủi ro khi có sự cố. Đối với những tài khoản quản trị Fanpage, người dùng nên chủ động thiết lập bảo mật lên mức cao nhất, không chia sẻ mật khẩu hoặc cho mượn tài khoản để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp”.

Ông Chu Võ Kim Long, Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông Minara cho biết: “Để hạn chế rủi ro có thể gặp phải, doanh nghiệp nên có các giải pháp dự phòng, với mạng xã hội chỉ nên xem là một trong các kênh để tương tác và quảng bá giới thiệu doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần phải quan tâm đến việc xác định đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, đúng thời điểm quảng bá, đúng nhu cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên xây dựng cho mình một trang web riêng".

Mạng xã hội là nơi doanh nghiệp có thể tương tác với khách hàng cũng như giải đáp mọi thắc mắc. Khi quảng cáo trên mạng xã hội, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tiếp cận với khách hàng theo hành vi và sở thích, đây cũng chính là lý do khiến cho việc chạy quảng cáo trên các kênh mạng xã hội trở thành xu hướng, và cũng là một trong những cách thức truyền thông, làm thương hiệu được hầu hết các doanh nghiệp chọn lựa hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm