Từ vụ nam thanh niên đánh người sau va quẹt giao thông ở quận 4: Võ sư chỉ cách tự vệ khi bị tấn công

(PLO)- Vụ nam thanh niên đánh người sau va quẹt giao thông ở quận 4, khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ về hành vi côn đồ khi va chạm giao thông của nam thanh niên.

Mới đây, PLO thông tin “Nam thanh niên đánh người sau va quẹt giao thông ở quận 4” về vụ việc sau khi xảy ra va chạm, một nam thanh niên đã dựng chống xe, tiến tới lớn tiếng, rồi bất ngờ đấm thẳng vào mặt người vừa va chạm với mình. Khi nạn nhân ngã xuống đường, nam thanh niên tiếp tục có hành vi bạo lực, đấm liên tục thậm chí đạp thẳng vào mặt nạn nhân.

Hành động đánh người sau va quẹt giao thông khiến nhiều bạn đọc bức xúc về hành vi côn đồ của nam thanh niên.

Đoạn clip nam thanh niên đánh người sau va quẹt giao thông ở quận 4.

Cần nghiêm trị thói côn đồ khi tham gia giao thông

Bạn đọc Nguyenquy…@gmail.com bày tỏ: "Đối tượng trong vụ việc đã chuyển hướng xe sang trái không đúng luật, gây ra va chạm, nhưng thay vì giải quyết ôn hòa, lại có hành vi hành hung người khác. Xem clip, vừa bức xúc trước hành vi côn đồ của đối tượng, vừa thương cảm cho nạn nhân bị hành hung. Chỉ vì một va chạm giao thông, nhưng không giữ được bình tĩnh, bản tính côn đồ đã bộc lộ rõ, đánh người sau va quẹt giao thông. Rất mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, loại bỏ những hành vi bạo lực, góp phần xây dựng một thành phố văn minh, nghĩa tình".

Bạn đọc ThaoMinh...@gmail.com bày tỏ quan điểm: "Thật đáng ngán ngẩm trước cách hành xử thiếu văn hóa: Rõ ràng là lạng lách, va vào xe người khác, nhưng lại xuống tay hành hung nạn nhân tới tấp. Hành vi côn đồ như vậy cần được điều tra và xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai".

"Cách đây vài ngày, tôi cũng gặp một trường hợp tương tự. Khi đi từ quận Gò Vấp về quận 12, đến đoạn ngã năm Chuồng Chó, tôi suýt ngã vì một nhóm thanh niên lấn làn, vượt ẩu. Theo quán tính, tôi quay lại nhìn, nhưng nhóm này lại nghĩ tôi "nhìn đểu", rồi lập tức đuổi theo. Để tránh chuyện lớn, tôi đành xin lỗi dù không hề sai. Nghĩ lại vẫn thấy bức xúc và càng cảm thông hơn cho chàng trai trong clip bị hành hung. Những hành vi hung hãn, côn đồ coi thường người khác như vậy thật đáng lên án" - bạn đọc Lyhien64...@gmail.com

Đánh người sau va quẹt giao thông, hành vi côn đồ khi va chạm giao thông của nam thanh niên trên cần được lên án. Ảnh: Chụp màn hình

Hành vi côn đồ xử phạt ra sao?

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Tôi không tán thành với cách hành xử của nam thanh niên kia. Hành vi này có tính côn đồ thay vì nói đây chỉ là sự mất bình tĩnh. Chúng ta không thể sử dụng bạo lực và pháp luật không cho phép sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi va quẹt giao thông là điều khó tránh khỏi trong quá trình chúng ta tham gia giao thông và nó có rất nhiều cách để chúng ta giải quyết một cách hài hòa và đảm bảo được quyền lợi của hai bên mà không cần sử dụng tới bạo lực”.

Luật sư Phát cho biết, hành vi này có thể chưa đủ yếu tố để cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo quy định tại điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017. Tất nhiên khi Cơ quan Công an vào cuộc xử lý, nếu trưng cầu giám định về tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại mà đủ yếu tố cấu thành của tội phạm nêu trên và khi bị hại có đơn đề nghị truy tố, thì hành vi này vẫn có thể bị khởi tố theo điều 134.

Theo Luật sư Phát, hành vi này, đủ yếu tố để cấu thành “tội gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 BLHS. Vì hành vi này đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động chung của công cộng, khiến nhiều phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo được việc giao thông một cách thông thường, khi bị chính hành vi và phương tiện của người thanh niên kia cản trở, chặn lại. Đồng thời nó làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn của xã hội tại đoạn đường này.

Đoạn clip cho thấy, bị hại đi phía trái cách người thanh niên kia, nhưng chính người thanh niên kia đã tấp xe qua trái một cách đột ngột, khiến bị hại có thể không kịp xử lý dẫn đến va quẹt vào đuôi xe của thanh niên kia. Nhưng anh ta lại dừng xe và có hành vi rất côn đồ như vậy.

Tự vệ làm sao cho đúng?

Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, quyền tự vệ, là quyền của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ. Trong nhiều tình huống nếu chúng ta bị tấn công, thì được quyền đáp trả (và pháp luật gọi đó là phòng vệ chính đáng). Chỉ khi nào vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, thì lúc đó mới bị pháp luật xem xét xử lý.

"Trong tình huống như thế này, theo tôi bị hại cần hô hoán để những người tham gia giao thông khác có thể can thiệp bảo vệ mình, đồng thời để ngăn chặn người đã tấn công mình có thể bỏ chạy. Sau đó, cần trình báo ngay cho Công an địa phương để họ đến giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của mình" - Luật sư Phát cho hay.

Khi tham gia giao thông, chẳng may có những va chạm, chúng ta cần bình tĩnh để giải quyết trong sự thỏa thuận, nếu không tự thỏa thuận được, chúng ta nên nhờ người xung quanh hỗ trợ mình, đồng thời giữ nguyên hiện trường để trình báo cho cơ quan Công an địa phương để họ xuống giải quyết sự việc. Tuyệt đối không dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn.

Những cách phòng vệ cơ bản khi bị tấn công

Trao đổi với PV, một võ sư Võ cổ truyền Việt Nam cho hay, nếu chúng ta bị tấn công bất ngờ, nạn nhân nên duy trì sự bình tĩnh. Chúng ta cần giữ bình tĩnh để quan sát tình hình và không làm kẻ tấn công thêm kích động. Xác định rõ mục tiêu, tìm cách thoát thân an toàn, không nên đối đầu.

Theo đó, nạn nhân nên la lớn hoặc kêu cứu những người xung quanh. La thật lớn để thu hút sự chú ý của người xung quanh. Hành động này có thể khiến kẻ tấn công hoảng sợ, tâm lý phân tâm và bỏ đi.

Khi bị tấn công vào mặt hoặc đầu, chúng ta cần hành động nhanh để giảm thiểu tổn thương. Như bảo vệ mặt và đầu, giơ tay lên che mặt, sử dụng cẳng tay và bàn tay để che các khu vực quan trọng như mắt, mũi, và miệng. Ngoài ra, cúi đầu xuống, giảm nguy cơ bị đánh vào vùng mũi và cằm, là những nơi dễ bị tổn thương. Ngoài ra, tránh đứng yên để không trở thành mục tiêu tĩnh.

Cũng theo võ sư, học cách thoát khỏi các đòn siết, khi bị giữ tay nên xoay cổ tay theo hướng ngón tay cái của kẻ tấn công để thoát. Nếu bị đối tượng ôm từ phía sau, nạn nhân nên dùng gót chân giẫm mạnh vào chân đối tượng hoặc nghiêng người, đẩy cùi chỏ ra phía sau.

Nên tham gia các lớp học võ tự vệ như Võ cổ truyền Việt Nam, Judo,... để biết cách tự vệ trong tình huống thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới