Từ vụ nợ phí vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đề xuất gỡ nút thắt cơ chế

(PLO)- Sau vụ chủ đầu tư nợ tiền vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đề xuất cho phép các chủ đầu tư được sử dụng tiền dự án để tổ chức vận hành, khai thác tạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, một số công trình giao thông sau khi hoàn thành đưa vào khai thác tạm đã gặp khó khăn về nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Điển hình mới đây, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long- Bộ GTVT giao cho Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) quản lý, vận hành và bảo trì dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đưa quy định vào dự thảo Luật đường bộ

Theo đó, VEC E đã chi gần 10 tỉ đồng cho công tác trên. Tuy nhiên, đơn vị gặp nhiều vướng mắc về nguồn kinh phí, không còn nguồn lực để duy trì. Vì vậy, VEC E đề nghị chủ đầu tư chi trả phần kinh phí đã thực hiện.

Hiện Ban QLDA Thăng Long đã có các văn bản báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền nhưng nguồn để trả cho VECE vẫn chưa được xác định rõ. Nguyên nhân được các bên xác nhận là do vướng mắc cơ chế về xác định nguồn kinh phí chi trả trong thời gian khai thác tạm.

Để giải bài toán trước mắt, Cục Đường bộ đề nghị các Ban QLDA Thăng Long hoàn thiện hồ sơ, bàn giao các tuyến cho cục. Sau đó, cục sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn các đơn vị vận hành, khai thác đủ điều kiện. Khi có đơn vị trúng thầu, cục sẽ xem xét sử dụng quỹ của Nhà nước để chi trả cho các đơn vị.

Dự án đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: VH
Dự án đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: VH

Tuy nhiên, để thuận tiện trong việc phân bổ kinh phí cho các dự án khai thác tạm tương tự, nhân lúc dự thảo Luật Đường bộ - đang lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều đề xuất.

“Dự án đầu tư, xây dựng công trình đường bộ đã đưa toàn bộ hoặc một số đoạn đường, hạng mục công trình thuộc dự án vào vận hành, khai thác, khai thác tạm nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao cho người quản lý, sử dụng đường bộ thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm thời quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình theo quy định. Chi phí quản lý, vận hành, khai thác, khai thác tạm và bảo trì được sử dụng trong tổng mức đầu tư của dự án để chủ đầu tư tổ chức thực hiện…” - Bộ GTVT đề xuất.

Cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị đưa vào dự thảo luật một điều khoản chuyển tiếp cho phép các dự án đã đưa vào khai thác hoặc khai thác tạm trước thời điểm dự luật có hiệu lực nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao cho người quản lý, sử dụng đường bộ thì được áp dụng các quy định trên. Theo đó, chủ đầu tư tổ chức thực hiện và đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt.

Quy định phù hợp

Đại diện Bộ GTVT cho biết so với dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, đây là nội dung mới. Việc cơ quan soạn thảo đưa ra quy định “hồi tố” nhằm giải quyết các vướng mắc về nguồn vốn trong quá trình khai thác tạm.

Lý do là quy định hiện hành chỉ giao chủ đầu tư trách nhiệm vận hành, quản lý, bảo trì đối với các dự án đang trong quá trình thực hiện bàn giao cho Nhà nước, tuy nhiên chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ về nguồn kinh phí để chủ đầu tư thực hiện các công việc trên.

“Đây hiện là vướng mắc của Bộ GTVT khi đưa vào khai thác tạm tại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Do vậy cần có quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý để thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…” - Bộ GTVT cho hay.

Theo đại diện một Ban QLDA, quy định trên của Bộ GTVT là phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị yên tâm sử dụng kinh phí dự án thực hiện công tác bảo trì, nhằm đảm bảo chất lượng, tuổi thọ và an toàn công trình trong thời gian khai thác tạm

“Chúng tôi rất đồng tình quy định rõ chi phí quản lý, vận hành, khai thác tạm được tính trong tổng mức đầu tư của dự án để chủ đầu tư tổ chức thực hiện…” - đại diện Ban QLDA nhấn mạnh.

Quy định rõ về phí, giá sử dụng đường bộ do doanh nghiệp thu

So với dự thảo Luật đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, tại kỳ họp thứ 7, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ mức phí, giá sử dụng đường bộ cụ thể như sau:

Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, bao gồm: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp thu giá sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc, bao gồm: Đường cao tốc đầu tư, xây dựng theo phương thức đối tác công tư; đường cao tốc là tài sản công, được nhà nước nhượng quyền kinh doanh - khai thác theo pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng quy định trên được bổ sung là do sau khi rà soát nhận thấy trường hợp Nhà nước nhượng quyền kinh doanh - khai thác, số tiền thu được từ người sử dụng dịch vụ trở thành doanh thu của doanh nghiệp và có các tính chất không phải nộp khoản phí này vào ngân sách mà được quản lý, sử dụng theo pháp luật doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

Thêm vào đó, tham khảo các quy định có liên quan, đặc biệt là Luật Quản lý thuế quy định trường hợp khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Thời gian qua, các dự án thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, BOO… số tiền thu từ người sử dụng dịch vụ cũng thực hiện theo pháp luật về giá, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về thuế và không nộp ngân sách nhà nước khoản tiền thu được. Trong khi đó, Luật Phí và lệ phí quy định các nguyên tắc: phí là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, thực hiện theo Luật Phí và lệ phí; phí không chịu thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm